Theo truy tố, đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng yếu kém. Do muốn thâu tóm một số ngân hàng về Oceanbank, nên Hà Văn Thắm đã gặp gỡ bà Hứa Thị Phấn đặt vấn đề chuyển giao lại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) qua việc bán 82,9% vốn điều lệ của TrustBank.
Hai bên đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần nhưng sau đó Hà Văn Thắm đưa Phạm Công Danh đến gặp bà Phấn để chuyển nhượng TrustBank cho Danh với giá 4.619 tỷ đồng.
Sau đó, Oceanbank đã cho Công ty Trung Dung (thực chất là cho Phạm Công Danh) vay 500 tỷ đồng. Cơ quan điều tra kết luận vốn điều lệ 250 tỷ đồng của Công ty Trung Dung không có thật, không có tính pháp lý, tài sản bảo đảm không đủ so với khoản vay trái với các quy định về cho vay của Ngân hàng Nhà nước cũng như các quy định nghiệp vụ gây thiệt hại cho Oceanbank.
Số tài sản bảo đảm cho khoản vay này ngoài vốn cổ phần 250 tỷ đồng của Công ty Trung Dung còn tài sản của bên thứ 3 – tài sản của bà Phấn và các thành viên gia đình gồm 2 biệt thự và hơn 5 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn SSG.
Tòa hỏi đại diện của bà Hứa Thị Phấn, vì sao Công ty Trung Dung vay mà bà Phấn và các thành viên gia đình lại thế chấp tài sản cá nhân?
Trả lời tòa, đại diện theo ủy quyền của bà Phấn và các thành viên gia đình trình bày, quá trình giao dịch từ việc mua bán cổ phần đến đưa tài sản vào thế chấp, bị cáo Hà Văn Thắm đã có lời lẽ đe dọa về thân phận của bà Phấn và hoạt động của Đại Tín.
Với tình hình sức khỏe yếu, hơn 70 tuổi, bà Phấn rất lo sợ và chỉ đạo nhóm cổ đông là con cháu phải chuyển giao cổ phần. Bởi vậy mới có việc chuyển giao hơn 80% cổ phần Đại Tín nhanh gọn đến khó hiểu.
“Thậm chí thủ tục còn rất khó nói, không biết nói là dân sự hay cưỡng đoạt, hôm ký hợp đồng anh Thắm (bị cáo Hà Văn Thắm – PV) bay ra ngay, để lại một số nhân viên ở lại ký tá và cầm bản gốc cổ phần ra ngay trong ngày ký hợp đồng mua bán” – người đại diện khai.
Người đại diện trình bày tiếp, anh Thắm đưa nhân viên vào Đại Tín, có nhân viên của anh Thắm khai xác nhận nhưng sau đó tình hình ngân hàng càng ngày càng xấu.
Đến tháng 4/2012, bà Phấn có nhiều đối tác muốn nhận chuyển nhượng ngân hàng và xin anh Thắm cho xin lại cổ phần. Anh Thắm có tin nhắn, email – đã được cơ quan chức năng giám định – với lời lẽ không tốt với bà Phấn. Với tình trạng như vậy, tháng 6 anh Thắm đưa ông Danh (Phạm Công Danh – PV) vào gặp bà Phấn.
Khi mới gặp bà Phấn không muốn chuyển nhượng cho anh Danh nhưng anh Thắm tác động rất nhiều nên bà Phấn phải chấp nhận. Thủ tục thì bà Phấn bàn giao nhưng cổ phần do anh Thắm giao cho Phạm Công Danh. Theo hợp đồng thì anh Danh có nhiều quyền và nghĩa vụ nhưng không thực hiện mà xin gia hạn.
Cuối 2012, Phạm Công Danh nói với bà Phấn muốn vay 1 khoản ở Oceanbank nhưng lô đất ở Tô Hiến Thành chưa đủ tư cách pháp lý, đang tiến hành thủ tục. Đây là dự án có giá trị, là tài sản rất to, Phạm Công Danh không muốn mang tài sản lớn như vậy để vay có 500 tỷ đồng. Và hỏi bà Phấn cho mượn tài sản để thế chấp và chỉ mượn trong 3 tháng
Nhưng khi làm hợp đồng cho mượn tài sản để thế chấp ngân hàng thì thời hạn đưa vào là tối đa 1 năm. Phạm Công Danh cam kết, ngay khi hoàn thành thủ tục pháp lý của lô đất ở Tô Hiến Thành thì sẽ hoán đổi tài sản bảo đảm để bà Phấn rút tài sản ra.
Người đại diện bà Hứa Thị Phấn khai, qua những lần trao đổi, bà Phấn có nói là anh Danh và anh Thắm đều rất trẻ, rất giàu có và tài năng, bà thì già rồi và tin tưởng 2 người này sẽ xử lý được Ngân hàng Đại Tín đang yếu kém. Bà Phấn có nguyện vọng để ngân hàng hoạt động tốt, không đuổi nhân viên nên bà đồng ý, động viên con cháu cho mượn hai biệt thự và cổ phần.
Cũng theo vị đại diện này, để bà Phấn đưa tài sản, Hà Văn Thắm có lời lẽ rất gay gắt.
"Khi đó bà Phấn đã 70 tuổi, anh Danh, anh Thắm còn bảo bà Phấn sắp bị C46 bắt. Bà Phấn rất sợ", đại diện này nói và cho biết, hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản ký tại CTCP Phú Mỹ. Nhưng trên văn bản giấy tờ thì hợp đồng lại được ký ở trụ sở Oceanbank tại Hải Dương. Sau này, hết thời hạn 1 năm, có nhiều văn bản đòi tài sản, gửi Công ty Trung Dung mà họ không trả.
Hai biệt thự cho mượn mới chỉ có hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cổ phiếu Tập đoàn SSG chưa niêm yết. Do đó, nhóm bà Phấn đề nghị xin nhận lại tài sản vì họ bị ép buộc phải ký hợp đồng thế chấp cầm cố với Oceanbank.
Trước khi khởi tố vụ án Phạm Công Danh, nhóm bà Phấn đã viết đơn tố cáo ra cơ quan công an.