“Đãi cát tìm vàng” trong hệ sinh thái start-up Việt

Nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài không quá lo lắng về hành lang pháp lý hay giới hạn ngân sách đầu tư, mà chỉ lo ngại Việt Nam không có những start-up đủ tiềm năng để rót vốn.
Việt Nam là thị trường hội tụ nhiều điểm thuận lợi cho việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Việt Nam là thị trường hội tụ nhiều điểm thuận lợi cho việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.

Hệ sinh thái khởi nghiệp hấp dẫn nhất khu vực

Hàng loạt quỹ ngoại cam kết đầu tư 425 triệu USD (tương đương 10.000 tỷ đồng) vào các start-up Việt nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong 3 năm tới là đề tài được cộng đồng khởi nghiệp không ngừng bàn luận trong những ngày gần đây. Cam kết trên được đưa ra tại Lễ ký kết hợp tác giữa các quỹ ngoại cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các start-up Việt, trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019, diễn ra đầu tuần trước tại Hà Nội.

Hầu hết các nhà đầu tư tham gia diễn đàn này đều thể hiện niềm tin, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến kế tiếp cho các đơn vị phát triển start-up khi hệ sinh thái khởi nghiệp đang thay đổi nhanh chóng. Bà Shuyin Tang, lãnh đạo cấp cao tại Patamar Capital - quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ trích các thống kê cho thấy, Việt Nam là thị trường hội tụ nhiều điểm thuận lợi cho việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, như: GDP tăng trưởng trung bình 7%, dân số trẻ với hơn 40% dưới 25 tuổi, đội ngũ kỹ sư có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ...

“Sự quan tâm của Chính phủ là động lực rất lớn cho hệ sinh thái phát triển. Cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam không chỉ hấp dẫn, nóng bỏng mà còn có thể dẫn đầu khu vực”, bà Shuyin Tang đánh giá.

Cùng có cái nhìn tích cực về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, ông Eddie Thai, giám đốc Quỹ 500 Startups Việt Nam tin tưởng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghệ không chỉ cho Đông Nam Á, mà còn cho cộng đồng các nước đang phát triển.

Theo ông Eddie Thai, nếu trước năm 2015, nhiều nhà đầu tư chỉ thăm dò thị trường Việt Nam với thái độ cẩn trọng, thì từ 2 năm qua, họ đã tham gia mạnh mẽ vào thị trường.

Quỹ đầu tư cần những nhà sáng lập đủ kiên định 

Dòng chảy “chất xám” của đội ngũ trí thức nước ngoài, đặc biệt là người Việt sau quá trình du học và làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam là một trong những tín hiệu hấp dẫn của thị trường.

“Một số công ty đầu tư vào thị trường Đông Nam Á thường chọn cách mở trụ sở tại Singapore và xây dựng đội ngũ kỹ sư tại Việt Nam”, ông Justin Nguyễn, cố vấn Quỹ Monk's Hill Ventures tại Việt Nam nói. 

Với khởi nghiệp, điều quan trọng nhất là có cơ hội tiếp cận với khách hàng, nên cần tạo ra sản phẩm càng sớm càng tốt.   

Trong khi đó, bà Thái Vân Linh, Giám đốc Quỹ đầu tư Vingroup Ventures cũng giữ quan điểm lạc quan và cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam hay hành lang pháp lý cho khởi nghiệp sẽ dần được cải thiện. Với bà, điều quan trọng nhất khi đầu tư vào start-up Việt là cần xem xét, nhà sáng lập có đủ kiên định, quyết tâm để bước tiếp bền bỉ hay không, vì để khởi nghiệp thành công là không dễ.

Không nhà đầu tư nào nói rằng, họ thiếu vốn hay giới hạn số tiền đầu tư. Họ chỉ đang nỗ lực “đãi cát tìm vàng” trong hệ sinh thái hàng ngàn start-up tại Việt Nam. Ngoài ra, bà Thái Vân Linh cũng tỏ ra lo ngại về khả năng thương mại hóa sản phẩm của start-up. Bà lấy ví dụ, có dự án dành cả thập kỷ chỉ để tạo nên sản phẩm hoàn hảo, nhưng theo bà, start-up chỉ nên dành  3 - 6 tháng để hoàn thành sản phẩm và đưa ra thị trường, sau đó sẽ tinh chỉnh.

“Với khởi nghiệp, điều quan trọng nhất là có cơ hội tiếp cận với khách hàng, nên cần tạo ra sản phẩm càng sớm càng tốt. Không có ngành nào là lý tưởng cho mọi start-up. Nhà sáng lập có thể chọn bất kỳ ngành nào để khởi nghiệp nhưng nhất định, phải hiểu thật kỹ ngành đó trước khi kinh doanh”, bà Thái Vân Linh nói.

Bên lề Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019, bà Nguyễn Lan Anh, Tổng giám đốc điều hành Endeavor Việt Nam - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ chia sẻ, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư ngỏ ý muốn Endeavor kết nối với một số start-up Việt, nhưng việc kết nối chưa thực hiện được, vì các start-up đang muốn tập trung cải thiện sản phẩm. “Điều đó chứng tỏ, nhà đầu tư không thiếu vốn, mà thị trường đang thiếu start-up triển vọng”, bà Lan Anh nhận định.

H. Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục