Đại biểu quốc hội kiêm nhiệm: Đã làm thì không “sợ”

Làm thế nào để đại biểu kiêm nhiệm có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình luôn là câu hỏi không dễ trả lời.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) là một trong số đại biểu kiêm nhiệm, phát ngôn, tranh luận thẳng thắn, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Với đặc thù Việt Nam, trong Quốc hội có rất nhiều đại biểu đang giữ trọng trách ở cơ quan hành pháp, cả trung ương và địa phương; thủ trưởng và cấp dưới trực tiếp làm đại biểu cũng không hiếm, bởi vậy, làm thế nào để đại biểu kiêm nhiệm có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình luôn là câu hỏi không dễ trả lời.

Cũng không phải đến bây giờ, khi Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) chuẩn bị có hiệu lực, công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khoá mới đang được tiến hành, thì câu hỏi trên mới được đặt ra.

Trong số hơn 300 vị đại biểu kiêm nhiệm tại Quốc hội khoá XIII, có PGS-TS, Trung tướng Trần Văn Độ, Phó chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương. Khi được hỏi “vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa làm tốt cả nhiệm vụ đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có khó lắm không”, câu trả lời của ông là không, dù đó không thể nói là nhiệm vụ không nặng nề. Và "bí quyết" của ông là khi đã bước vào hội trường Quốc hội thì phải tạm quên chức vụ chuyên môn của mình đi.

Mọi phát biểu khi đó phải xuất phát từ lợi ích của dân, nghĩ đến quyền lợi của dân trước hết, không phân vân suy nghĩ nói cái này có lợi hay có hại cho mình. Như thế vừa đỡ mệt đầu, vừa tự giảm áp lực cho bản thân.

Quốc hội khoá XIV cũng có hơn 300 đại biểu kiêm nhiệm và một số trong đó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước trong các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10.

Đó là khi một đại biểu hiện là phó hiệu trưởng một trường trung học phổ thông, thế hệ 8x, lần đầu tham gia Quốc hội, không ngại tranh luận nảy lửa về truy trách nhiệm trong các sai sót của sách giáo khoa và hành vi làm giả sách giáo khoa - vấn đề của chính ngành mình, trước lời có ý nhắc nhở cần phát ngôn cẩn trọng của một đại biểu cao niên hơn, nữ đại biểu trẻ đã trả lời: “Tôi phát ngôn và chịu trách nhiệm trước cử tri".

Hai nữ đại biểu khác, cũng kiêm nhiệm, đang giữ các chức vụ không nhỏ tại địa phương và chưa được coi là "cây đa, cây đề" trong Quốc hội, nhưng cũng xuất hiện trên nhiều trang cá nhân của cử tri, với không ít lời bày tỏ ngưỡng mộ bởi các phát ngôn thẳng thắn, không ngại va chạm khi tranh luận.

Sự phản biện của các vị đại biểu này, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực lập pháp, là bước tiến đáng ghi nhận của Quốc hội. Tất nhiên, vẫn còn tốn thêm giấy mực khi bàn về tính thuyết phục của các phản biện đó.

“Tôi phát ngôn và chịu trách nhiệm trước cử tri". Bày tỏ tâm đắc với phát ngôn này, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu phụ thuộc vào trách nhiệm của đại biểu trước cử tri và bản lĩnh của đại biểu, chứ không phải là chuyên trách hay kiêm nhiệm. Những tranh luận về sách giáo khoa tại nghị trường vừa qua cho thấy, đại biểu kiêm nhiệm làm trong ngành giáo dục hiểu vấn đề rất thấu đáo. Các đại diện cho ngành khác cũng vậy, bởi sự cọ xát với thực tiễn của họ sẽ đem đến cho nghị trường thông tin toàn diện và sâu sắc hơn.

Là đại biểu tái cử, từng có những phát biểu thẳng thắn, đôi khi khá "động chạm" tại nghị trường, ông Hà Sỹ Đồng đúc kết rằng, ngay từ khi được giới thiệu ứng cử, nếu mình tự xác định là sợ động chạm hoặc không thể thực hiện được lời hứa với cử tri, thì không nên nhận đề cử làm người đại diện cho dân.

Đã "sợ" thì không làm, đã làm thì không "sợ". Câu nói dân dã đó có lẽ chính là điều mà các ứng cử viên đại biểu Quốc hội cần phải "thấm", để xứng đáng là đại diện cho dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Nguyên An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục