Theo ông Cương, 2 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất về rạp chiếu phim và nắm đầu ra của công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện nay là 2 doanh nghiệp nước ngoài, gồm CGV chiếm 43% và Lotte chiếm 20% thị phần.
Năm 2016, 8 doanh nghiệp điện ảnh của Việt Nam gửi thư cầu cứu lên các cơ quan chức năng, vì bị CGV chèn ép về tỷ lệ ăn chia quá thấp cho phim Việt. Sự việc đẩy lên đến đỉnh điểm khi CGV từ chối phát hành 1 bộ phim Việt, vì không chấp nhận tỷ lệ ăn chia như phim ngoại.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu CGV đàm phán với 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước để giải quyết mâu thuẫn qua hình thức thương lượng.
“Tuy nhiên, theo tôi biết, CGV đã kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp trong nước cùng thống nhất và ký vào một bản đề xuất về tỷ lệ ăn chia của CGV để CGV xem xét. Nếu làm như vậy thì các doanh nghiệp Việt vi phạm Luật Cạnh tranh hiện hành. Tôi xin nói thêm, các doanh nghiệp điện ảnh nước ngoài nắm giữ thị phần chi phối có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, đẩy doanh nghiệp điện ảnh nhỏ bé của Việt Nam tới chỗ phá sản...”, ông Cương quan ngại.
Từ ví dụ trên, ông Cương cho rằng, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh phải tạo ra những quy định mới, rõ ràng, hữu hiệu để Nhà nước có căn cứ điều tra, xử lý những vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, khắc phục tình trạng bỏ lọt hay khó chứng minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Từ đó ngăn ngừa các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm và thúc đẩy cạnh tranh có hiệu quả...
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: "Các doanh nghiệp điện ảnh nước ngoài nắm giữ thị phần chi phối có thể đẩy doanh nghiệp điện ảnh nhỏ bé của Việt Nam tới chỗ phá sản".
“Nhân đây tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét và xử lý vụ việc của doanh nghiệp CGV mà báo chí đã nêu...”, ông Cương đề xuất.
Chủ đề đại biểu Cương nêu ra nhận được sự chia sẻ của nhiều đại biểu khác.
“Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương và kêu gọi Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, có giải pháp cấp bách để cứu ngành điện ảnh Việt Nam đang bị điện ảnh nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh…”, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề xuất.
Ông Nghĩa nhìn nhận, gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, khám chữa bệnh, vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nổi lên là điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn đang báo động về việc họ đang từng bước bị loại khỏi thị trường trong nước.
Các cơ quan quản lý nhà nướchầu như bất lực trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chuyển giá, mua bán, sáp nhập ở tầng trên và bên ngoài Việt Nam...
“Tôi cho rằng, Luật Cạnh tranh có thể và phải đóng góp nhiều hơn vào việc tăng cường nội lực Việt Nam, nếu không, những cái bấm nút của đại biểu sẽ không tròn trách nhiệm...”, ông Nghĩa lo lắng.
Cũng chia sẻ phát biểu của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương và Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) kiến nghị, Chương V của Dự thảo Luật về tập trung kinh tế phải bổ sung thêm mục về các lĩnh vực liên quan.
“Nếu chúng ta nhớ lại khi Hàn Quốc công chiếu bộ phim "Oldboy" năm 2016, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-Sam có lời tuyên bố về giá trị kinh tế của bộ phim rất nổi tiếng là ông đánh giá bộ phim này giá trị bằng 1,5 triệu ô tô Huyndai Sotana. Như vậy, chúng ta thấy tác động của kinh tế thông qua các lĩnh vực văn hóa là rất lớn. Vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một mục trong phần tập trung kinh tế...”, ông Kiên đề xuất.