Có mở đường cho miễn tội?
Bên cạnh những tác động tích cực mà nghị quyết đem lại, thì đại biểu Quốc hội và nhiều cử tri vẫn còn băn khoăn lo ngại "việc ban hành nghị quyết này liệu có hay không việc vô tình làm cho một số người có trách nhiệm gây ra nợ xấu được vô can, miễn tội".
Điều này cần giải thích rõ hoặc cần có nội dung quy định cụ thể trong nghị quyết này để khẳng định: không miễn trừ trách nhiệm đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật, gây ra nợ xấu cho dù nợ xấu đã được xử lý…, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đề xuất.
Cũng với mối quan ngại tương tự, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nhìn nhận, về phạm vi nợ xấu cần xử lý, dự thảo đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 quy định việc xử lý được áp dụng với mọi khoản nợ xấu trong suốt thời hạn có hiệu lực 5 năm của nghị quyết, kể cả nợ xấu tồn tại cũ cũng như nợ xấu phát sinh mới trong giai đoạn tới.
“Tôi thấy phạm vi điều chỉnh như vậy quá rộng, không phù hợp, làm giảm trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong quan hệ tín dụng. Tôi nghĩ không nên vô tình để nghị quyết chúng ta ban hành này thành ‘lá bùa chống lưng’ cho những sai phạm hoặc ít nhất là thiếu trách nhiệm trong quan hệ tín dụng trước đây lại có cơ hội để tái diễn…”, ông Minh nêu quan điểm và đề xuất "nghị quyết nên giới hạn phạm vi xử lý đối với các khoản nợ xấu tính đến ngày 31/12/2016 như phương án 2 của dự thảo".
Thống đốc Lê Minh Hưng.
Giải trình với các đại biểu Quốc hội, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cơ quan soạn thảo thấy rằng, nghị quyết không tạo ra bất cứ đặc quyền hay ưu ái nào cho tổ chức tín dụng.
Việc áp dụng nghị quyết đối với các khoản nợ xấu hiện tại và các khoản nợ xấu phát sinh trong khoảng thời gian có hiệu lực của nghị quyết như phương án 1 là rất cần thiết. Lý do là bởi nợ xấu luôn tiềm ẩn, phát sinh hàng ngày, song hành với hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
Trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế nợ xấu, thì tính trung bình nợ xấu mới phát sinh hàng năm khoảng từ 1,3 - 1,5% trên tổng dư nợ và cho vay đầu tư đối với nền kinh tế, chủ yếu do các nguyên nhân khách quan và một số nguyên nhân chủ quan.
Không nên vô tình để nghị quyết ban hành này thành ‘lá bùa chống lưng’ cho những sai phạm hoặc ít nhất là thiếu trách nhiệm trong quan hệ tín dụng trước đây lại có cơ hội để tái diễn…
- Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh)
Với mục tiêu tăng trưởng tổng dư nợ cho vay đầu tư đối với nền kinh tế bình quân hàng năm khoảng 16%, dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm tới (2017 - 2022) khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Để duy trì mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%, tổng nợ xấu cần xử lý trong 6 năm tới là khoảng 640 nghìn tỷ đồng. Như vậy bình quân mỗi năm phải xử lý gần 130 nghìn tỷ đồng.
Bởi vậy, theo ông Hưng nếu chỉ giới hạn xử lý nợ xấu đã ghi nhận đến 31/12/2016, thì số nợ xấu mới phát sinh trong thời gian nghị quyết có hiệu lực sẽ tiếp tục gặp vướng mắc về cơ chế.
Ông Hưng cho biết, "Nếu giới hạn những khoản nợ xấu được khoanh đến ngày 31/12/2016, thì xử lý theo cơ chế của nghị quyết này, còn những khoản nợ xấu phát sinh sau mốc thời gian này, thì áp dụng theo các quy định hiện hành là rất bất cập. Chúng tôi mong các đại biểu Quốc hội xem xét vấn đề này…".
“Việc xử lý nợ xấu sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các tổ chức tín dụng. Qua đó, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay và tăng khả năng tiếp cận vốn từ ngân hàng của doanh nghiệp và của nền kinh tế, qua đó đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền…”, ông Hưng nói.
“Không khéo lại bảo Quốc hội chơi chữ…”
Theo Đại biểu Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn), việc “không dùng các khoản chi ngân sách để cơ cấu nợ" khác với "không dùng ngân sách nhà nước".
Các đại biểu Quốc hội từ trước tới giờ không ai dùng ‘không dùng các khoản chi’ mà chỉ dùng ‘không dùng ngân sách nhà nước’. Hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau, mong các đồng chí làm rõ, không có lại bảo Quốc hội chơi chữ...
Giải trình vấn đề trên, Tư lệnh ngành ngân hàng cho biết, Chính phủ khi bàn vấn đề trên đã báo cáo Quốc hội rất nghiêm túc là Chính phủ không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo các tổ chức tín dụng có liên quan đến việc trích lập dự phòng. Khi yêu cầu các tổ chức tín dụng sử dụng thu nhập để tăng cường trích lập dự phòng, chắc chắn ảnh hưởng đến thu, nộp thuế...
“Khi tăng cường xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng, thì ảnh hưởng đến thu nhập của các ngân hàng thương mại quốc doanh, nên ảnh hưởng đến cổ tức nộp cho ngân sách nhà nước. Điều đó gián tiếp ngân sách nhà nước cũng đã có những hỗ trợ nhất định cho tiến trình xử lý nợ xấu".
"Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ thể hiện trong dự thảo để đảm bảo như đúng ý kiến của các đại biểu Quốc hội là không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu...”, ông Hưng nói.
Theo kế hoạch làm việc, Quốc hội sẽ biểu thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tại phiên họp ngày 21/6 tới.