Đại biểu Quốc hội đề nghị cấp thêm nhà cho người dân phố cổ để giãn dân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là đề xuất của đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) khi đóng góp xây dựng cho Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội mà Quốc hội đang thảo luận. 
Hà Nội về đêm đoạn phố Vĩnh Tuy (quận Hoàng Mai) - Ảnh: Thái Bảo Hà Nội về đêm đoạn phố Vĩnh Tuy (quận Hoàng Mai) - Ảnh: Thái Bảo

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng 20/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội) đồng thời là nhà khoa học được tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch, đã có phát biểu đáng chú ý.

Đại biểu nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô là một quy hoạch tỉnh, nhưng không phải như quy hoạch các tỉnh khác là quy hoạch cho một địa phương mà là quy hoạch cho Thủ đô của cả nước. Do vậy, quy hoạch này đòi hỏi sự hội tụ và mang tính đại diện cho sự phát triển của cả nước. Chính vì vậy, quy hoạch này đã được quan tâm và thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học trên cả nước thuộc tất cả các lĩnh vực và rất nhiều chuyên gia của tổ chức lớn trên thế giới.

Với sản phẩm là hai bản quy hoạch được trình Quốc hội lần này, vị đại biểu đoàn Hà Nội cảm thấy rất hài lòng và yên tâm. Tuy nhiên, ông cho rằng để những kế hoạch và kỳ vọng dành cho Hà Nội trở thành hiện thực thì có 3 vấn đề cần phải coi là trọng tâm trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch này.

Xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị để giải quyết ùn tắc giao thông và cải tạo chung cư cũ

Vấn đề thứ nhất, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, chúng ta phải tập trung giải quyết vấn đề, nút thắt lớn nhất của Thủ đô Hà Nội hiện này là giao thông ùn tắc, với nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị như trong đề án vạch ra.

Đại biểu lý giải, khi Hà Nội có một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông cho người dân di chuyển đến các địa điểm thuộc khu vực Thủ đô thì đường sắt đô thị sẽ tự động thay thế các phương tiện giao thông cá nhân, từ đó những vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay sẽ được giải quyết.

Mặt khác, khi mạng lưới đường sắt phát triển, nó sẽ kết nối với các vùng ngoại thành và tự động giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô sang phát triển ở những vùng đô thị mới thuộc ngoại thành và các tỉnh mà đường sắt có kết nối như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam...

"Như vậy, đường sắt đô thị sẽ biến các tỉnh đó, các đô thị đó gần như là những đô thị vệ tinh để tạo ra kết nối phát triển, đồng thời cũng phân tán sự tập trung, tôi cho rằng đấy là khâu kết nối đầu tiên", ông Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 20/6

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 20/6

Bên cạnh đó, khi đã có được một hệ thống đường sắt đô thị phát triển, những khu vực đô thị hiện nay đang rất bức xúc như khu chung cư cũ, những khu nhà thấp tầng lụp xụp, chen chúc gây mất an toàn có thể được cải tạo bằng cách dồn vào một số toà nhà cao tầng mới với hệ thống không gian ngầm là trung tâm thương mại dịch vụ như những khu phố ngầm, trả lại khoảng không gian trống để phát triển cây xanh, phát triển hoạt động công cộng...

"Đó mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại. Tôi cho rằng việc này không cần tốn nhiều tiền, nếu chúng ta có đường sắt đô thị rồi thì tự các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra cải tạo được các đô thị cũ để giãn dân sang các đô thị mới", ông Cường phân tích.

Làm hai đập tràn trên sông Hồng và sông Đuống để điều hoà nguồn nước, xử lý chất thải và xây dựng con đường di sản hai bên sông Hồng

Vấn đề thứ hai, theo vị đại biểu, chúng ta phải đầu tư xây dựng được một hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa và xây dựng, bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ và nước thải tập trung để khi nước thải sinh hoạt từ thành phố chảy ra hệ thống môi trường là nước sạch, không có ô nhiễm nữa.

Việc này cần tiến hành đồng thời với việc triển khai xây dựng ngay 2 đập tràn dâng nước ở trên sông Hồng và sông Đuống, như trong quy hoạch thủy lợi mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều lần đề xuất.

Đại biểu phân tích, khi xây dựng 2 đập này thì tự nhiên mặt nước sông Hồng vào mùa cạn sẽ dâng cao lên và nó sẽ đẩy nước vào sông Đáy, sông Nhuệ, hệ thống sông Bắc Hưng Hải và tự động làm dòng sông này sống lại, chảy trôi đi, không còn hạn hán như hiện nay.

Đặc biệt, có hệ thống đập dâng nước này thì chúng ta hàng năm tiết kiệm khoảng 5 tỷ m3 nước của các hồ (ví dụ như hồ Hòa Bình không phải xả nước vào mùa cạn) và khi đó chúng ta sẽ có nước cho sản xuất của cả khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng, không thiếu nguồn nước phát điện.

Đồng thời, mặt sông của khu vực Hà Nội trở thành một mặt hồ tràn và khi đó chúng ta xây dựng 2 con đường di sản hai bên sông Hồng như quy hoạch. Một bên là con đường để thể hiện lịch sử ngàn năm văn hiến. Các câu chuyện lịch sử xây dựng nước, câu chuyện Hà Nội 60 ngày đêm quyết tử cho tổ quốc quyết sinh... sẽ được thể hiện trên con đường di sản đó và tự nó sẽ trở thành không gian cho du lịch, không gian văn hóa, không gian để tổ chức những hoạt động thương mại, dịch vụ ở bên sông.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội sáng 20/6

Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội sáng 20/6

"Một bên sông chúng tôi đề xuất xây dựng con đường di sản quy tụ, thể hiện những hình ảnh về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, mỗi tỉnh thành khoảng 100m bề ngang. Việc này hoàn toàn có thể không mất tiền ngân sách, các nhà đầu tư, các tỉnh thành có thể dồn sức vào đây để làm nên cảnh quan sông Hồng trở thành một trục trung tâm", đại biểu nói.

Đặc biệt, trung tâm hành chính của Hà Nội đang phân tán rất nhiều sở, ngành ở các nơi, nếu làm được con đường di sản hai bên sông Hồng nói trên, chúng ta sẽ đẩy được trung tâm phát triển về phía Bắc, tạo ra được kết nối mới. Hiện nay chúng ta không có một không gian nào để làm đại lộ, quảng trường, nơi tụ họp xây dựng những công trình lớn, thì chính trục đại lộ quảng trường kết nối giữa trung tâm hành chính quốc gia Ba Đình với trung tâm hành chính của thành phố phía Bắc sông Hồng sẽ tạo nên một nơi hội tụ của người dân ở những dịp lễ hội.

Hỗ trợ nhà cho người dân phố cổ để giãn dân, bảo tồn không gian nội đô cho phát triển du lịch và kinh tế ban đêm

Vấn đề thứ ba, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất có cơ chế hỗ trợ cho người dân ở khu vực phố cổ để giãn dân, phục vụ mục đích bảo tồn nội đô. Chúng ta muốn cải tạo, chỉnh trang khu vực này thì phải hỗ trợ cho người dân về nơi ở và phải thực hiện cơ chế là không thu hồi nhà của những người dân này, nhưng người ta lại được hỗ trợ thêm về chỗ ở.

"Nếu được hỗ trợ như thế thì tự những người dân sẽ di chuyển nơi sinh hoạt ra nơi ở mới, dành không gian nội đô trở thành không gian kinh doanh dịch vụ, thương mại. Tài sản vẫn của người ta, người ta có thể tự sản xuất, kinh doanh hoặc cho những nhà đầu tư vào đầu tư, cải tạo trở thành những nơi lưu trú hoặc nơi để kinh doanh ăn uống.

Như vậy, chúng ta sẽ phát triển được một không gian về kinh tế đêm cho Hà Nội, không phải chỉ quanh khu vực Bờ Hồ như hiện nay mà cả khu vực phố cổ, cả khu vực Hồ Tây, cả khu vực sông Hồng trở thành một không gian phát triển du lịch và kinh tế đêm", đại biểu nói và nhấn mạnh, ba nhiệm vụ trọng tâm nói trên sẽ tạo ra được động lực phát triển rất lớn của Thủ đô.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục