Đại biểu muốn nhà thuốc bệnh viện được tự quyết mua thuốc, không phải đấu thầu

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cho phép các nhà thuốc bệnh viện được tự quyết định việc mua sắm thuốc, không bắt buộc phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.

Chiều 6/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Tình trạng thiếu thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện do vướng quy định của Luật Đấu thầu được nhiều đại biểu đặt ra và đề nghị có giải pháp tháo gỡ.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho hay, về giá thuốc mua vào, theo quy định hiện hành, nhà thuốc bệnh viện mua thuốc không cao hơn giá trúng thầu của thuốc đó tại cùng thời điểm, hoặc không cao hơn giá trúng thầu tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong vòng 12 tháng. Về giá thuốc bán ra, Nghị định 54 của Chính phủ quy định thặng số bán lẻ tối đa của tất cả các thuốc tại nhà thuốc bệnh viện.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội).

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội).

Bên cạnh đó, do một số đặc thù (bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh, không dự trù trước được về danh mục, số lượng, mô hình bệnh tật cũng liên tục thay đổi) nên các nhà thuốc bệnh viện rất khó để xây dựng được kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Các nguyên nhân này dẫn đến tình trạng thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, buộc người dân phải mua bên ngoài, vừa bất tiện, vừa khó kiểm soát được chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.

Theo đại biểu, các quy định tại Khoản 1 Điều 2 (tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị đều phải áp dụng luật đấu thầu) và khoản 2 Điều 55 Luật Đấu thầu hiện nay (cho phép cơ sở được tự quyết định việc mua sắm) khiến các cơ sở khám chữa bệnh gặp vướng mắc, đề nghị hướng dẫn nội dung này.

Do đó, đại biểu đề nghị sửa Khoản 2 Điều 55 như sau: “Đối với việc mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu”.

Đồng thời, sửa khoản 1 Điều 2 theo hướng: Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật này).

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, thực tế đang chứng kiến sự chênh lệch rõ rệt trong công tác đấu thầu và mua sắm thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập. Trong khi các cơ sở công lập gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc và thiết bị y tế, thì các cơ sở y tế ngoài công lập lại đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, thậm chí có cả các loại thuốc hiếm và thiết bị y tế hiện đại.

Chưa kể, dù một trong những nguyên tắc đấu thầu là đảm bảo hiệu quả kinh tế, nhưng việc các cơ sở tư nhân sử dụng hình thức mua sắm thông thường lại mua được một số thiết bị y tế với giá rẻ hơn so với cơ sở công lập là bất cập lớn và chưa có câu trả lời dứt điểm.

Để đảm bảo công bằng cũng như minh bạch, ngoài kiến nghị sửa đổi một số quy định của Luật Đấu thầu sửa đổi như trên, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định không chỉ các cơ sở công lập mà cả các cơ sở y tế tư nhân cũng thực hiện đăng tải thông tin về kết quả mua sắm, tạo sự minh bạch và hạn chế các tiêu cực trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh chữa bệnh.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, nhà thuốc bệnh viện tạo yên tâm cho người bệnh cả về chất lượng và gái thuốc. Song với các quy định của Luật Đấu thầu hiện hành, các nhà thuốc bệnh viện sẽ tiếp tục khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về mua sắm trực tiếp, nếu không sửa Luật thì khi xây dựng Thông tư, Nghị định hướng dẫn phải giải thích theo nghĩa rộng hơn về việc “tự quyết định việc mua sắm”. Theo đó, trong các hình thức đấu thầu, nhà thuốc có thể lựa chọn chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp đàm phán giá… chứ không phải chỉ đấu thầu rộng rãi.

“Mục tiêu số một là đảm bảo thuốc chất lượng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của người dân. Đấu thầu không phải là con đường duy nhất và tốt nhất thực hiện mục tiêu này”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM).

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM).

Trong báo cáo giải trình về Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, liên quan tới ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về mua thuốc của cơ sở y tế công lập để bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện theo hướng cho phép cơ sở y tế được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng: Đây là nội dung quan trọng, còn có ý kiến khác nhau.

Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp tục trao đổi với Bộ Y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế công lập… để rà soát, nhận diện đầy đủ những vướng mắc phát sinh và báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét phương án xử lý phù hợp theo nguyên tắc tạo thuận lợi, nâng cao tính chủ động trong hoạt động của các nhà thuốc bệnh viện, nhưng phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Về ý kiến cho rằng, đối với mua thuốc để bán lẻ, Dự thảo Luật cần có quy trình tránh lạm dụng, đảm bảo công khai, làm rõ vai trò của Bộ Y tế trong việc cung cấp, mua bán, Bố Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho nhà thuốc bệnh viện công lập thực hiện theo các hình thức quy định từ Điều 20 đến Điều 29 Luật Đấu thầu năm 2023, đồng thời Luật đã quy định về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu và giao Nghị định quy định chi tiết.

Ngoài ra, pháp luật về đấu thầu đã có quy định về kiểm tra, giám sát và giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thuộc bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Bộ Y tế, Sở Y tế các địa phương sẽ thực hiện việc giám sát thường xuyên việc mua sắm, đấu thầu của các cơ sở y tế công lập.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục