Đại án Vạn Thịnh Phát: Gần 36.000 bị hại lo lắng về quyền lợi của mình

Bất ngờ lớn nhất tại đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II là Tòa án Nhân dân TP.HCM xử vắng mặt người bị hại. Điều này khiến hàng ngàn “khổ chủ” trái phiếu cùng chung câu hỏi lớn: “Quyền lợi của họ có được đảm bảo?”
Khổ chủ trái phiếu liên quan Vạn Thịnh Phát, từng kêu cứu tới Báo Đầu tư, đã mong ngóng cơ quan chức năng xét xử giai đoạn II từ rất lâu.

“Mất ăn, mất ngủ” vì lo

Phiên tòa xét xử “đại án lịch sử” Vạn Thịnh Phát giai đoạn II (vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB và các công ty, đơn vị liên quan) đang diễn ra, trong sự lo lắng, hồi hộp của gần 36.000 người bị hại - lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Các bị hại lo lắng bởi họ phải đứng ngoài theo dõi quyền lợi của mình trên… báo chí, trên website của Tòa án, thay vì được tham dự, được lên tiếng tại Tòa để đảm bảo quyền lợi của mình.

Trước đó, tại Thông báo thụ lý vụ án đưa ra xét xử, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã công bố việc tiến hành xét xử vắng mặt bị hại.

Theo luật sư Lê Ngô Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng sự (TP.HCM), quyền lợi của bị hại được tham dự tòa và lên tiếng đã được quy định tại khoản 2, Điều 62, Bộ luật Tố tụng hình sự: Bị hại được tham gia phiên tòa, trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình… Thậm chí, nếu bị hại khi nhận giấy triệu tập của Tòa mà cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, thì có thể bị dẫn giải.

Lo lắng về quyền lợi của mình, trên một số diễn đàn mạng trái phiếu, các trái chủ rủ nhau kéo tới… cổng tòa án để “ngóng”. Tới mức, nhiều khổ chủ suốt nhiều ngày trước khi diễn ra phiên tòa, thậm chí đêm khuya, đã nhắn tin, gọi điện bày tỏ cùng một khúc mắc với phóng viên Báo Đầu tư về việc liệu quyền lợi họ có được bảo đảm.

“Mất ăn, mất ngủ luôn, anh ạ. Không được dự tòa, tức không nói được gì thì liệu quyền lợi, tiền bạc mình bị lừa có lấy lại được không? Không dự trực tiếp, thì tôi sẽ đến, đứng ở ngoài mà ngóng. Cả tỷ bạc gom góp cả đời viên chức để dưỡng già khi nghỉ hưu, là đồng tiền mồ hôi, xương máu, chứ có phải ‘trên trời rơi xuống’ đâu”, trái chủ N.T.Uyên (TP. Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ.

Nhiều trái chủ băn khoăn, liệu phán xử của tòa có đảm bảo trả cả gốc lẫn lãi tiền họ bị lừa mua trái phiếu không?

Có trái chủ kinh nghiệm thì tỏ ra cảm thông rằng, nếu cả hàng chục ngàn bị hại tới, chỉ nói 5 phút/người thôi, thì chỗ nào chứa nổi, thời gian bao lâu cho đủ, trong khi phiên xử chỉ dự kiến trong 1 tháng (từ ngày 19/9 tới 19/10/2024), trong khi phải nhanh chóng đảm bảo quyền lợi như mong ngóng suốt nhiều năm trời qua của từng trái chủ?

Có quyền kháng cáo bản án, nếu không đảm bảo quyền lợi

Tại phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I, diễn ra tháng 3/2024, Trương Mỹ Lan bị Hội đồng Xét xử (Tòa án Nhân dân TP.HCM) tuyên phạt tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Trương Mỹ Lan còn phải bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng.

Dù vậy, luật sư Lê Ngô Trung và luật sư Nguyễn Minh Thuận (Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Sài Gòn Việt Nam) đều cho rằng, trong trường hợp bất khả kháng, luật cũng cho phép toà xét xử vắng mặt bị hại.

Tại Thông báo thụ lý vụ án đưa ra xét xử, Tòa án Nhân dân TP.HCM cũng nêu rõ, việc xét xử vắng mặt đương sự là tuân theo quy định tại Điều 62, Điều 65 và đặc biệt là Điều 292, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (Nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt, thì tùy trường hợp, Hội đồng Xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp xét thấy sự vắng mặt của bị hại, đương sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại, thì Hội đồng Xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật).

Mặt khác, thông báo trên cũng nêu rõ, một vế rất quan trọng cho trái chủ là việc xét xử vắng mặt vẫn “đảm bảo quyền, lợi ích của các bị hại, đương sự theo đúng quy định của pháp luật. Việc xét xử vắng mặt các bị hại, đương sự không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại, đương sự”.

Hơn nữa, theo luật sư Nguyễn Minh Thuận và Lê Ngô Trung, nếu bản án cấp sơ thẩm tuyên không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, thì bị hại có quyền kháng cáo bản án lên cấp tòa cao hơn. Điều này cũng được quy định tại Điều 62, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Thêm hàng loạt khối tài sản khủng được phong tỏa để đảm bảo bồi thường

Ở giai đoạn II, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, Trương Mỹ Lan và đồng phạm sử dụng 4 công ty phát hành 25 mã trái phiếu khống, lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của gần 36.000 trái chủ, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng (từ chiếm đoạt của SCB và tiền trái phiếu), vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD.

Thực hiện yêu cầu của Hội đồng Xét xử giai đoạn I về việc tiếp tục xác minh các phương án, dự án… chưa được xử lý để thu hồi khi giải quyết vụ án trong giai đoạn II, Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an (C03) đã làm rõ, Trương Mỹ Lan đã chi 500 tỷ đồng góp tiền cùng Nguyễn Ngọc Dương (đã chết) để mua và cho 3 cá nhân đứng tên sở hữu 16 sổ đỏ tại Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển. Vì vậy, tài sản được duy trì kê biên để xử lý.

C03 cũng đã rà soát và ngăn chặn giao dịch đối với số dư tài khoản, cổ phiếu, bất động sản của 5 bị cáo đang truy nã bị xét xử vắng mặt, gồm Đinh Văn Thành, Nguyễn Thị Thu Sương, Chiêm Minh Dũng, Trầm Thích Tồn và Nguyễn Lâm Anh Vũ.

Cơ quan chức năng cũng đã thu giữ tổng cộng hơn 224 tỷ đồng; đã ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị can, người liên quan và các pháp nhân liên quan, với tổng số tiền hơn 824 tỷ đồng. Đồng thời, kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, vốn góp liên quan bà Trương Mỹ Lan và các bị can khác, cá nhân liên quan, với giá trị quy đổi hơn 12.313 tỷ đồng, gồm kê biên 100% cổ phần tại Công ty cổ phần Twin Peaks (tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng HSBC và OCBC để đảm bảo cho khoản dư nợ vay 230 triệu USD); 18% vốn góp (hơn 142 tỷ đồng) tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành; 82% phần vốn góp (tương đương 492 tỷ đồng) tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam; 7.788.433 cổ phần tại Công ty cổ phần Dược phẩm Đông Dược 5; 84,82% phần vốn góp (tương đương hơn 4.580 tỷ đồng) tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông; 2.190.305 cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thủy; 160 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư thương mại dịch vụ Hòa Thuận Phát.

Tại Chứng khoán TVSI, C03 kê biên hơn 1,4 tỷ cổ phần và ngăn chặn giao dịch 8.735.550 cổ phần.

Cơ quan điều tra còn kê biên 9 bất động sản liên quan bà Trương Mỹ Lan, các bị can và các cá nhân có liên quan, như tài sản nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất tại 268 - Võ Văn Kiệt (quận 1, TP.HCM); lô đất CN1, Khu công nghiệp Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội); tài sản nhà đất số 1150/9/3 (đường 3/2, quận 11, TP.HCM); nhà đất số 15 - Bùi Viện (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng)…

Bên cạnh đó, Vạn Thịnh Phát cũng đề xuất khắc phục hậu quả bước đầu các gói trái phiếu của các công ty liên quan Tập đoàn, với tổng giá trị 1.015 tỷ đồng.

Cụ thể, Vạn Thịnh Phát cùng 13 công ty liên quan cam kết tự nguyện khắc phục hậu quả số tiền 519,7 tỷ đồng bằng cách nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an).

Đối với các tài khoản của các công ty đang bị ngăn chặn giao dịch, tập đoàn này đề xuất sử dụng toàn bộ số tiền đang bị ngăn chặn (291,6 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả vụ án.

Với Công ty cổ phần Bông Sen và Công ty TNHH một thành viên Khách sạn quốc tế Thiên Phúc có nghĩa vụ nợ trái phiếu có tài sản đảm bảo đang lưu hành, Vạn Thịnh Phát đang tìm kiếm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng các tài sản đảm bảo này để tạo nguồn thu trả nghĩa vụ nợ trái phiếu.

Đồng thời, Vạn Thịnh Phát cam kết sử dụng số tiền gần 70 tỷ đồng của Công ty Bông Sen và 134 tỷ đồng của Công ty Thiên Phúc để khắc phục cho các trái chủ sở hữu trái phiếu của 2 công ty này.

Qua kiểm tra chứng từ, xác định các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát đã hoàn tất chuyển hơn 221 tỷ đồng vào tài khoản của cơ quan công an.

Ngoài ra, đối với số tiền 291,6 tỷ đồng trong các tài khoản được Vạn Thịnh Phát và các công ty liên quan tự nguyện xin sử dụng để khắc phục hậu quả, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tiếp tục duy trì việc ngăn chặn tài khoản và thống kê, chuyển tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Với quy định pháp luật, với nỗ lực của cơ quan chức năng trong thu hồi tài sản nêu trên, các luật sư đều cho rằng, trái chủ đã được xác định là bị hại, dù không trực tiếp được lên tiếng tại tòa, nhưng có thể yên tâm ở công lý.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục