Chiều 8/1, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại PVC tập trung xoay quanh việc cấp tạm ứng sai quy định 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng.
Cáo buộc thể hiện, đầu tháng 5/2011, ông Đinh La Thăng (Chủ tịch HĐTV PVN) gặp Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Quốc Khánh (đều là phó Tổng giám đốc PVN) chỉ đạo đẩy nhanh việc tạm ứng thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cho PVC.
Biết rõ hợp đồng EPC số 33 được ký trái quy định nhưng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn vẫn chỉ đạo Ban Quản lý dự án tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng cho PVC. Hệ quả đã tạo điều kiện để Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm khác sử dụng sai mục đích 1.115 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước 119 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. (Ảnh chụp qua màn hình)
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai nhận đã ký 2 quyết định tạm ứng nhưng tiền chuyển thành 4 lần. Khi ký các quyết định tạm ứng, bị cáo không nhận thấy các hợp đồng có vấn đề gì. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra và kiểm sát viên, bị cáo mới biết có vi phạm.
“Bi cáo cũng chỉ là mắt xích nằm trong dây chuyền” – bị cáo Sơn trần tình.
Bị cáo cũng khai nhận: “Công việc của doanh nghiệp cứ quyết là làm không tính đi tính lại. Chỉ đạo gần như là mệnh lệnh, nếu bị cáo biết có trục trặc hoặc pháp lý bất ổn thì bị cáo không bao giờ làm”.
Trả lời về việc tạm ứng cho PVC, bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban quản lý Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khai nhận, PVN có một công văn hỏa tốc do Nguyễn Xuân Sơn ký, đề nghị Ban quản lý dự án chuyển ngay tiền tạm ứng cho PVC ngay trong ngày.
“Tôi phải chịu sức ép ghê gớm quá, ai đời lại yêu cầu chuyển tiền ngay trong ngày”, bị cáo Chương khai.
Theo bị cáo Chương, ông không tham gia vào quá trình đàm phán, thực hiện hợp đồng số 33. Sau khi tiếp nhận công việc Trưởng ban quản lý dự án, ông đã cho tiến hành rà soát lại việc thực hiện hợp đồng số 33.
“Ở thời điểm nhận được công văn của PVN đề nghị tạm ứng cho nhà thầu, bị cáo đã nghe mong manh hợp đồng đó chưa đủ điều kiện thực hiện. Ban quản lý dự án chỉ là cầu nối giữa chủ đầu tư và nhà thầu, bị cáo “chết” là vì có làm công văn đề nghị tạm ứng tiền.
Sau đó, bị cáo biết hợp đồng có vấn đề lớn. "Để tránh rủi ro cho chủ đầu tư, bị cáo đã ba lần gửi công văn báo cáo rõ về tình trạng hợp đồng 33 có vấn đề, đề nghị Tập đoàn xem xét có ý kiến chỉ đạo nhưng không ai trả lời”, bị cáo Chương khai nhận.
Bị cáo Chương khẳng định, văn bản được gửi cho PVPower, Hội đồng thành viên PVN và Ban Tổng giám đốc.
Đối chất lời khai của bị cáo Chương, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận biết về công văn báo cáo của bị cáo Chương nhưng hợp đồng đã có điều khoản về tạm ứng ghi 6% thì cứ thực hiện, nếu đàm phán thay đổi thì thực hiện sau.
Bị cáo Sơn cũng khai, Tập đoàn đã có ý kiến chỉ đạo việc chuyển tiền theo hợp đồng nên bị cáo chuyển tiền theo hợp đồng, việc ký công văn hỏa tốc này thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập đoàn là phải thực hiện tạm ứng ngay. Chuyển tiền ngay trong ngày cho PVC để tránh rủi ro về tỉ giá.
Bị cáo Sơn thừa nhận, khi về PVN, việc chuyển đổi tư cách chủ đầu tư từ PVPower sang PVN và ký lại hợp đồng đã được thực hiện xong. Quá trình ký kết chuyển giao bị cáo không được tham dự từ việc chỉ đạo, lập dự án cũng như chuyển đổi hợp đồng về Tập đoàn.
Bị cáo cho rằng, công trình Nhiệt điện Thái Bình 2 được thực hiện theo cơ chế đặc thù, cần đẩy nhanh tiến độ, cần phải tạm ứng cho nhà thầu đủ số tiền tạm ứng. Việc chỉ đạo chuyển tiền cho tổng thầu PVC là theo chức trách nhiệm vụ của Ban quản lý đã được tập đoàn phân công theo quy chế của tập đoàn.