Đại án Oceanbank: Vừa xử vừa mở rộng điều tra

(ĐTCK) Từ ngày 27/2/2017, phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng kinh tế xảy ra tại NHTM cổ phần Đại Dương (Oceanbank) sẽ diễn ra liên tục trong vòng 20 ngày. 

Cơ quan tố tụng đã cơ bản chỉ ra hành vi phạm tội của 47 bị cáo và thiệt hại của Oceanbank do hành vi cho vay trái quy định, thu phí và chi “chăm sóc khách hàng” hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, còn những hành vi khác, đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.

Chẳng hạn, theo cáo trạng vụ án, vào tháng 5/2014, 5 tháng trước khi bị bắt, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank đã chỉ đạo cấp dưới là Nguyễn Thị Lan Hương (Thư ký) lập khống 24 hợp đồng chuyển nhượng căn hộ của Dự án Star City Westlake giữa 9 cá nhân do Thắm chỉ định với Công ty Viptour – Togi.

Thực chất, Vip tour – Togi là công ty sân sau của Thắm. Khi đó, Thắm vừa là Chủ tịch HĐQT Oceanbank kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khách sạn và du lịch Đại Dương, là cổ đông chiếm 99% cổ phần Viptour-Togi. Thắm thuê Nguyễn Thị Dung làm Phó tổng giám đốc Công ty Viptour-Togi ký các hợp đồng khống này.

Ngày 29/5/2014, theo chỉ đạo của Thắm, Phòng giao dịch Oceanbank Đào Duy Anh ký hợp đồng tín dụng, giải ngân số tiền 137,8 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Viptour – Togi. Số tiền này sau đó được rút ra để Thắm trả các khoản vay khác. Mặc dù toàn bộ nợ gốc của khoản vay trên được thu hồi, nhưng trách nhiệm của các đối tượng liên quan sẽ được cơ quan điều tra đề cập ở giai đoạn 2 vụ án.

Ngoài ra, Hà Văn Thắm và các đối tượng tại Oceanbank còn có sai phạm đối với nhiều khoản vay có dấu hiệu vi phạm khác.

Theo kết luận trưng cầu giám định, đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước đánh giá và xác định hậu quả đối với khoản vay của 8 khách hàng lớn gồm: Công ty TNHH Bất động sản TNN, Công ty cổ phần BSC Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và tư vấn tài chính Liên Việt, Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar, Công ty cổ phần Nam Định, Công ty cổ phần Sân Golf Ngôi sao Chí Linh, Công ty cổ phần Đầu tư Toàn Việt và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà. Tổng dư nợ nhóm 5 đối với các khách hàng này tính đến ngày 31/3/2016 là 2.625 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2014, nợ xấu của Oceanbank lên tới 15.000 tỷ đồng. Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng, chuyển đổi thành loại hình ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Do đó, số vốn góp của cổ đông có vốn Nhà nước vào Oceanbank (gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam góp 800 tỷ đồng, tương đương 20% cổ phần; Công ty cổ phần Xây dựng Sông Đà góp 266 tỷ đồng, tương đương gần 7%) đến nay không thể thu hồi. Liên quan đến trách nhiệm góp vốn này, vì thời hạn điều tra đã hết nên cơ quan điều tra quyết định tách hành vi này để xử lý sau.

Ngoài ra, Oceanbank sử dụng tài khoản Vũ Thị Thùy Dương để hoàn ứng và chi trả lãi ngoài huy động vốn. Cụ thể, Hà Văn Thắm ra chủ trương, chỉ đạo Ban điều hành Oceanbank thực hiện ký kết các hợp đồng khống với các đối tác. Thắm giao cho Lê Thị Thu Thủy (Phó tổng giám đốc) thực hiện và theo dõi, giám sát thu tiền từ việc ký kết các hợp đồng khống này. Thủy chỉ đạo Vũ Thị Thùy Dương lập tài khoản để nhận tiền chuyển về.

Thực hiện chủ trương trên, giai đoạn 2010 - 2013, Oceanbank ký tổng cộng 45 hợp đồng với 20 đối tác, tổng giá trị 133 tỷ đồng. Oceanbank thanh toán 132 tỷ đồng và nhận lại từ phía đối tác 84,2 tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số khoản tiền khác là tiền Oceanbank nộp vào tài khoản của Dương gồm 33 tỷ đồng lãi suất ngoài do khối nguồn vốn gửi tiền của Oceanbank tại ngân hàng khác; 2,8 tỷ đồng tiền hoa hồng được hưởng khi mua sắm...

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an bắt tạm giam đối với Trần Đức Chính, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Do hết thời hạn điều tra, cơ quan tố tụng yêu cầu cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục khẩn trương điều tra làm rõ, xử lý đối với các hành vi đã tách ra nêu trên.  

Triệu tập nhiều doanh nghiệp đến tòa

HĐXX đã triệu tập khoảng 600 đương sự là cá nhân và các tổ chức kinh tế. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc họ “dầu khí” như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí và các công ty thành viên, CTCP  Phân bón dầu khí Cà Mau, Tổng công ty Phân bón hóa chất dầu khí, Tổng công ty Điện lực dầu khí, Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí, Tổng CTCP Xây lắp dầu khí, Tổng CTCP Vận tải dầu khí…

Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương, Công ty cổ phần Khách sạn và dịch vụ Đại Dương, Công ty BSC (công ty sân sau của Hà Văn Thắm), Công ty Trung Dung, Công ty cổ phần Tập đoàn SSG (nhóm cổ đông là bà Hứa Thị Phấn) cũng có mặt tại tòa.

Đây là vụ án có số lượng bị cáo và người có quyền lợi, liên quan rất lớn. quá trình thẩm tra căn cước, Hội đồng xét xử đã ra quyết định tạm đình chỉ đối với bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Phó tổng giám đốc) vì lý do mắc bệnh hiểm nghèo theo giám định pháp y.

Đỗ Mến – Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục