Sáng 3/3, phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm bước sang ngày thứ 4, tập trung làm rõ hành vi của các giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch.
Trong vụ án này có 34 bị cáo nguyên là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch các tỉnh thành tiếp nhận chủ trương, thực hiện chi lãi ngoài từ hội sở.
Bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên, Giám đốc Oceanbank Chi nhánh Vũng Tàu khai nhận, chi nhánh chi lãi ngoài cho 90 khách hàng có tổ chức, hàng nghìn cá nhân gửi tiết kiệm.
Trực tiếp bị cáo Liên chi cho Ban quản lý Đóng mới giàn khoan, PVOil Vũng Tàu và một số khách hàng khác. Tất cả khách hàng không chịu ký chứng từ nhận tiền.
Bị cáo Trần Thị Thu Hương, Giám đốc chi nhánh Hải Dương khai, tổng số tiền chi nhánh chi cho khách hàng là hơn 29 tỷ đồng. Bản thân bị cáo Hương chi trả số tiền 8 tỷ đồng, trong đó Nhiệt điện Phả Lại là khách hàng lớn nhất, nhận lãi ngoài hơn 6 tỷ đồng và chưa trả lại.
“Khi khởi tố vụ án, tôi rất lo lắng, gọi cho khách hàng thu hồi số tiền nhưng một số khách hàng từ chối, tránh mặt, một số người không nói, chỉ viết ra giấy. Đến thời điểm đó, chỉ có Ban Quản lý dự án đóng mới giàn khoan (đã giải thể) nộp 100 triệu đồng, nhưng họ cũng chuyển vào tài khoản bị cáo, không xác nhận”, bị cáo Liên khai.
Bị cáo Nguyễn Minh Đạo, Giám đốc chi nhánh Hà Nội khai nhận, số tiền chi chăm sóc khách hàng hơn 42,1 tỷ đồng, chủ yếu là khách hàng cá nhân. Chi nhánh Hà Nội có 17 phòng giao dịch, thời điểm cao điểm nhất huy động 3.200 tỷ đồng. Số tiền chi lãi ngoài so với huy động vốn không phải là nhiều.
Theo bị cáo Đạo, việc chi chăm sóc khách hàng không ban hành thành văn bản, chỉ là hành vi công việc cụ thể, được truyền đạt từ chủ trương. Đây không phải là số tiền thiệt hại.
“Bị cáo biết vi phạm Thông tư 02/NHNN nhưng làm công ăn lương, không có động cơ, vụ lợi, vì miếng cơm manh áo”, bị cáo Đạo khai.
Còn bị cáo Trần Thị Thu Hương, Giám đốc chi nhánh Hải Dương khai, tổng số tiền chi nhánh chi cho khách hàng là hơn 29 tỷ đồng. Bản thân bị cáo Hương chi trả số tiền 8 tỷ đồng, trong đó Nhiệt điện Phả Lại là khách hàng lớn nhất, nhận lãi ngoài hơn 6 tỷ đồng và chưa trả lại. Hơn 2 tỷ đồng chi cho các tổ chức kinh tế trong đó có cả tiền mặt và quà.
Hiện tại, Công ty cổ phần Âu Việt chuyển lại hơn 400 triệu đồng. Bị cáo Hương đã bán nhà, khắc phục hậu quả số tiền 1,3 tỷ đồng.
Tại chi nhánh Sài Gòn, một số tổ chức kinh tế nộp lại tiền nhận lãi ngoài gồm: CTCP Đầu tư phát triển Gia Định, CTCP Đại An Sài Gòn, CTCP Sản xuất dịch vụ Tân Bình và CTCP đầu tư Khu công nghiệp dầu khí Idico Long Sơn nộp lại 216 triệu đồng.
“Ngày hôm kia, một số chị em đồng nghiệp cũ báo tin vui có thêm một công ty nộp 658 triệu đồng, chúng em đang lập chứng từ”, bị cáo Nguyễn Quốc Chiến, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn nói thêm.
Một số công ty được triệu tập đến tòa nhưng vắng mặt.
Từng tạm dừng chi lãi ngoài
Bị cáo Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc khối nguồn vốn Oceanbank khai nhận, ngày 7//2011, Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm chỉ đạo không chi lãi ngoài toàn hệ thống. Thời gian sau đó, Oceanbank chứng kiến cảnh tượng xe tiền các ngân hàng lấy tiền đi ngay trước cửa ngân hàng. Sự việc không phải diễn ra 1, 2 ngày mà kéo dài nhiều tháng trời.
Logic về kinh tế vĩ mô và áp lực thị trường, không ngân hàng nào không chi lãi ngoài.
Số dư tiền gửi ngân hàng từ 12.000 tỷ đồng (7/9/2011), còn 5.000 tỷ đồng và tốc độ ngày càng nhanh hơn. Khi đó, bị cáo Hà Văn Thắm ra quyết định tiếp tục chủ trương chi lãi ngoài để cứu Ngân hàng.
“Oceanbank không phải là người khởi đầu chăm sóc khách hàng như vậy. Anh Thắm chịu nhiều áp lực. Năm 2011 lạm phát 18,95%, dân cư hy vọng lãi suất thực dương. Trong báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2008-2012, tổng huy động vốn toàn xã hội thấp hơn hoặc ngang bằng cho vay. Bị cáo thấy rằng những con số này anh Thắm nắm được. Logic về kinh tế vĩ mô và áp lực thị trường, không ngân hàng nào không chi lãi ngoài”, bị cáo Nam nói thêm.
Theo bị cáo, đây là thỏa thuận kinh tế “hợp lòng” 2 bên (ngân hàng- người gửi).