Daewoo Cleve “lần khân” khi khách hàng đòi rút vốn

(ĐTCK) Nhà bị chậm bàn giao 9 tháng, chấp nhận chia sẻ gánh nặng tiền phạt với chủ đầu tư, nhưng khách hàng của Dự án Daewoo Cleve vẫn như ngồi trên lửa khi đến hạn trả tiền, chủ đầu tư lại “lần khân”.
 Văn bản làm việc giữa chủ đầu tư Deawoo Cleve với khách hàng Văn bản làm việc giữa chủ đầu tư Deawoo Cleve với khách hàng

Tại số báo trước, Đầu tư Bất động sản đã thông tin về việc Dự án tổ hợp căn hộ Daewoo Cleve Hà Đông bị khách hàng đòi rút vốn vì vi phạm hợp đồng, chậm bàn giao nhà cho khách hàng.

Theo phản ánh của bà Trần Thị Vân Anh, khách hàng mua căn hộ tại tòa CT2A, tổ hợp Daewoo Cleve, đến thời hạn bàn giao nhà vào tháng 3/2014, tòa CT2A mới được triển khai đến tầng 5. Để thuyết phục khách hàng tiếp tục theo đuổi hợp đồng, chủ đầu tư hứa sẽ tái khởi động dự án trước tháng 12/2014 và sẽ bàn giao nhà vào quý IV/2016. Thế nhưng, vì không còn niềm tin, bà Vân Anh đã yêu cầu thanh lý hợp đồng và rút vốn.

Theo quy định của Hợp đồng mua bán, nếu sau 180 ngày kể từ ngày bàn giao dự kiến mà chủ đầu tư không bàn giao được căn hộ, thì khách hàng có quyền chấm dứt hợp đồng, đồng thời bên bán phải chịu phạt 20% giá trị căn hộ.

Bà Vân Anh cho biết, tại buổi gặp mặt khách hàng vào ngày 10/12 vừa qua, bà đã rất thiện chí khi chấp nhận đề nghị của chủ đầu tư giảm mức phạt xuống còn 10% giá trị căn hộ, thay vì 20% như hợp đồng. Tuy nhiên, tại buổi làm việc ngày 18/12, đại diện chủ đầu tư lại tiếp tục đòi giảm tiền phạt chậm bàn giao nhà xuống 5%. Ngoài ra, thời hạn trả tiền gốc khách hàng đã nộp cho chủ đầu tư sẽ kéo dài từ tháng 6 tới tháng 10/2015, chứ không phải ngay trong năm 2014 như yêu cầu của khách hàng.

Về tố cáo của khách hàng, ông Park Chun Ho, Giám đốc Dự án Daewoo Cleve cho biết, việc chủ đầu tư phải trả tiền gốc và phạt là đương nhiên, nhưng trong phạm vi khả năng tài chính, Công ty chỉ cố gắng trả tiền phạt ở mức 5% giá trị căn hộ. Hiện nguồn tiền doanh nghiệp chủ yếu trông chờ từ công ty mẹ ở Hàn Quốc, nên Công ty rất khó khăn trong việc tự xử lý (?)

Theo bà Vân Anh, việc Công ty Hibrand Việt Nam là chủ đầu tư một dự án lớn, tổng vốn đầu tư lên tới cả trăm triệu USD, nhưng không thực hiện các điều khoản do chính mình soạn thảo và không thể trả lại tiền khách hàng đã đóng là không thể chấp nhận được.

Cũng theo bà Vân Anh, do chủ đầu tư đưa ra tỷ lệ phạt chậm bàn giao nhà quá thấp so với quy định hợp đồng, đồng thời đưa ra thời điểm trả lại tiền mua nhà quá xa so với kỳ vọng, bà đã không chấp nhận đề xuất mới của chủ đầu tư.

“Nếu trong vòng 1 tháng, chủ đầu tư không trả lại tiền góp vốn cho tôi, thì tôi sẽ tiến hành khởi kiện”, bà Vân Anh cho biết.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp này, cả khách hàng và chủ đầu tư cần phải nghiên cứu lại các điều khoản hợp đồng và phụ lục hợp đồng để xem xét vi phạm của chủ đầu tư đến đâu.

Việc doanh nghiệp viện dẫn khó khăn để chậm trả tiền và giảm tiền phạt chậm bàn giao nhà là điều dễ hiểu, nhưng có đồng ý hay không lại là quyền của khách hàng.

Trong trường hợp cụ thể của khách hàng Trần Thị Vân Anh, luật sư Thắng cho biết, các bên nên ngồi lại thương lượng với nhau. Nếu không đồng ý với phương án trả tiền và bồi thường hợp đồng của chủ đầu tư, khách hàng hoàn toàn có thể kiện chủ đầu tư ra tòa.

“Nếu tiến hành khởi kiện, khách hàng hoàn toàn có cơ sở thắng kiện, phía chủ đầu tư vì thế sẽ tổn hại uy tín”, luật sư Thắng khẳng định, nhưng lưu ý, việc thi hành án sau đó có thể gặp nhiều khó khăn. Vì thế, trong trường hợp này, khách hàng và chủ đầu tư vẫn nên ngồi lại với nhau để giải quyết vụ việc, vừa đảm bảo quyền lợi khách hàng, vừa bảo vệ được uy tín của doanh nghiệp.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nguyên Minh - Trí Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục