Đặc khu Hành chính - Kinh tế, thành công hay không phụ thuộc vào quyền lực người đứng đầu

Mô hình tổ chức, đặc biệt là vai trò, thẩm quyền của người đứng đầu của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) tiếp tục được đặt lên bàn “mổ xẻ” của các chuyên gia. Và một trong những nội dung được quan tâm, đó là trao quyền và giám sát quyền lực của các trưởng đặc khu như thế nào.

Quan trọng là trao quyền cho đặc khu

Một trong những lấn cấn lớn nhất khi Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được đưa ra thảo luận, đó là các đặc khu sẽ trực thuộc tỉnh hay trực thuộc Trung ương. Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, các đặc khu sẽ trực thuộc tỉnh và Ban soạn thảo Luật đang thiết kế mô hình đặc khu theo hướng đó.

Đặc khu Hành chính - Kinh tế, thành công hay không phụ thuộc vào quyền lực người đứng đầu ảnh 1

 Các chuyên gia trao đổi về mô hình tổ chức hành chính của Đặc khu

Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo về mô hình tổ chức chính quyền đặc khu, tổ chức ngày 20/9 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế tiếp tục đề xuất việc nên để các đặc khu trực thuộc Trung ương. Bởi chỉ có như vậy, các đặc khu mới có điều kiện để phát triển.

“Nếu chỉ lấy đặc khu như địa bàn cấp huyện thì không phù hợp, liệu có đột phá được không”, GS. Đoàn Ngọc Giao, Viện Chính sách pháp luật và phát triển nói.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, điều quan trọng không phải là trực thuộc tỉnh hay Trung ương, mà là chúng ta sẽ trao quyền cho người nắm quyền ở đặc khu như thế nào.

“Nghĩ như thế thì vẫn là theo tư duy tổ chức bộ máy hành chính thông thường. Đây là đặc khu cơ mà, có nghĩa là rất đặc biệt. Đặc khu không thuộc đâu cả, chỉ là thuộc... luật pháp mà thôi. Phải tạo ra thể chế, chính sách đặc biệt cho đặc khu để các đặc khu này phát triển”, ông Thiên nói.

Thậm chí nhắc câu chuyện của Thẩm Quyến, Tiền Hải - Tiền Hải còn trực thuộc cả Thẩm Quyến nhưng vẫn phát triển rất mạnh, TS. Trần Đình Thiên cho biết, lý do là vì, thực tế quyền lực của người đứng đầu các đơn vị này rất lớn, thậm chí lãnh đạo tỉnh Quảng Châu cũng không có…

Bày tỏ băn khoăn trước việc các chuyên gia có những ý kiến trái chiều về đề xuất của Ban soạn thảo, là xây dựng mô hình chính quyền đặc khu theo hướng không tổ chức HĐND và UBND, mà chỉ có một thiết chế được gọi là Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ông Thiên cho rằng, không nên lấy những luật lệ hiện tại - ví như Luật Tổ chức chính quyền địa phương để “soi chiếu”, chỉ cần không vi phạm hiến pháp là được.

“Phải tạo ra mô hình để đảm bảo đặc khu sẽ trở thành một hình mẫu vượt hẳn lên thông lệ, để làm sao thu hút những nguồn lực cao nhất của thế giới, những nhà đầu tư hạng nhất, những công dân hạng nhất”, ông Thiên nói.

Lo lợi ích nhóm và chuyện giám sát quyền lực ở đặc khu

Theo thiết kế ban đầu của Dự thảo Luật, Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trao 116 thẩm quyền thuộc 13 lĩnh vực khác nhau. Các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự ấn tượng trước việc lần đầu tiên trong một dự luật, có những điều khoản riêng quy định thẩm quyền, trách nhiệm của một cá nhân mà dài và cụ thể như vậy.

Tuy nhiên, việc trao quyền lớn cho Trưởng đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt, cũng khiến các chuyên gia lo ngại có câu chuyện “lợi ích nhóm”. Thậm chí, PGS. Huỳnh Ngọc Giao lo chuyện trao quyền lớn cho Trưởng đơn vị, song cả Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Vân Đồn đều có vị trí địa lý nhạy cảm, liên quan đến an ninh, quốc phòng, vậy thì phải làm sao để quản lý, giám sát.

Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trao 116 thẩm quyền thuộc 13 lĩnh vực khác nhau.

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Dự thảo Luật mặc dù tạo thuận lợi lớn trong tiếp cận đất đai cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, thậm chí cho phép thời hạn sử dụng đất đối với một số trường hợp có thể lên tới 99 năm, song cũng có những điều khoản “quản chặt” vấn đề này.

Chẳng hạn, tỷ lệ sở hữu của người nước ngoài không quá 30%. Trước khi quyết định cấp, giao đất cho người nước ngoài, Trưởng đặc khu sẽ phải lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về địa điểm, vị trí đất.

Thêm nữa, sẽ có một đề án riêng liên quan đến đảm bảo an ninh, quốc phòng ở các đặc khu được trình đồng thời với Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và 3 đề án phát triển đặc khu của các địa phương.

Liên quan đến chuyện giám sát quyền lực của Trưởng đơn vị, như Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã thông tin, Ban soạn thảo đã bổ sung một mục với 5 điều khoản quy định Trưởng đơn vị chịu tới 7 sự giám sát, từ Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan, UBND, HĐND tỉnh, đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… và cả sự giám sát của người dân.

Chưa kể, sẽ có một Hội đồng Giám sát và Tư vấn được thành lập ở đặc khu.

Đây là những nội dung mới, được bổ sung sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây. Tuy nhiên, tại hội thảo ngày 20/9, nhiều chuyên gia kinh tế lại bày tỏ quan điểm rằng, có vẻ Trưởng đơn vị đang bị giám sát nhiều quá. Thêm nữa, hiệu quả của Hội đồng Giám sát và Tư vấn đến đâu thì cũng cần phải thảo luận thêm.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục