Đã tính đến “kịch bản” đối phó với thiểu phát

(ĐTCK) Vừa ra khỏi tình trạng lạm phát cao và kéo dài, nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với tình trạng ngược lại: thiểu phát. "Cả lạm và thiểu phát đều gây ra yếu tố bất lợi cho nền kinh tế cũng như đời sống xã hội của người dân. Lường trước mọi khả năng có thể xảy ra, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để đối phó với các kịch bản khác nhau", Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh vừa cho ĐTCK biết như vậy.
Ông Vũ Văn Ninh Ông Vũ Văn Ninh

Thưa Bộ trưởng, Chính phủ đã lường trước khả năng thiểu phát chưa?

Tại phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã dự báo tình huống thiểu phát có thể xảy ra, nên giao cho các bộ, ngành nghiên cứu, đặt ra các tình huống, kịch bản và tương ứng với nó là các giải pháp xử lý.

Việt Nam từng bị thiểu phát (năm 2002), nên có kinh nghiệm để đối phó nếu tình huống này xảy ra?

Đúng là Việt Nam đã từng rơi vào thiểu phát nhẹ, nhưng rất khó lấy bài học kinh nghiệm trước đây để áp dụng vào bây giờ vì trong 5 - 6 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng và điều kiện hiện nay đã khác trước rất nhiều. Chỉ riêng trong lĩnh vực hội nhập với nền kinh tế thế giới đã thấy tình hình hiện nay và những năm đầu thế kỷ XXI có khoảng cách rất xa: bây giờ chúng ta đã gia nhập WTO, còn thời kỳ thiểu phát trước đây chúng ta chưa gia nhập toàn diện vào AFTA; tiềm lực của nền kinh tế hiện nay gấp hàng chục lần trước đây hay năng lực điều hành của các cơ quan Chính phủ bây giờ và trước đây cũng khác xa nhau rất nhiều... Bài học kinh nghiệm có thể áp dụng được chỉ là công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải nhịp nhàng, đồng bộ, kịp thời và thông suốt từ trên xuống dưới.

Một trong những biện pháp nhằm đối phó với thiểu phát là nới lỏng chính sách tài khoá, kịch bản này đã được tính đến chưa, thưa Bộ trưởng?

Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao nghiên cứu về vấn đề này và sẽ sớm trình Chính phủ các biện pháp để xử lý nhằm đón trước mọi tình huống có thể xảy ra. Nói thật là Chính phủ cũng đặt vấn đề nới lỏng chính sách tài khoá, nhưng phải tuỳ vào điều kiện, diễn biến cụ thể mới thực hiện, triển khai nới lỏng ở mức độ nào.

Phản ứng trước khả năng thiểu phát có thể xảy ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có biện pháp cụ thể. Bộ trưởng có thể cho biết ý kiến về biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ vừa được NHNN thực hiện?

Bắt đầu từ ngày 21/10, lãi suất cơ bản giảm từ 14%/năm xuống 13%/năm; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc tăng từ 5%/năm lên 10%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15%/năm xuống 14%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng giảm từ 15%/năm xuống 14%/năm. Cũng kể từ ngày 21/10, NHNN thực hiện thanh toán trước hạn 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc. Đây là những biện pháp cần thiết, kịp thời nhằm điều tiết nền kinh tế. Tuy nhiên, tôi phải nói thêm rằng, các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ nêu trên đều đã được hoạch định trong phiên họp thường kỳ tháng 9/2008 của Chính phủ.

Trong dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009 của Chính phủ trình Quốc hội, ban đầu, Chính phủ vẫn giữ quan điểm: "Năm 2009 tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá, tiền tệ thắt chặt", nhưng sau khi thảo luận, cân nhắc, đánh giá lại tình hình, Chính phủ quyết định thêm một từ vô cùng quan trọng là "linh hoạt" vào chính sách tài khoá, tiền tệ. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ kể trên chính là một trong những bước đi cụ thể hoá từ "linh hoạt". Tôi muốn giải thích thêm về từ "linh hoạt" là, năm 2009, một mặt Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng, tài khoá nhưng đối với những hoạt động đầu tư tốt, dự án có hiệu quả thì vẫn bảo đảm vốn, kể cả việc cung cấp vốn cho những dự án bất động sản khả thi.

Chính sách tiền tệ bước đầu đã được nới lỏng. Còn đối với chính sách tài khoá, thưa Bộ trưởng, trong điều kiện thiểu phát sao không đề nghị Quốc hội tăng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2009?

Đây là một câu chuyện rất lớn, ngay tại các bộ, ngành cũng còn nhiều quan điểm, ý kiến rất khác nhau về việc có nên nâng huy động vốn TPCP hay không, nâng bao nhiêu là vừa. Quan điểm của Bộ Tài chính và nhiều bộ, ngành khác cho rằng, đây là cơ hội tốt để chúng ta tranh thủ đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo… Nhưng cũng không ít quan điểm cho rằng, mức bội chi của Việt Nam hiện ở mức cao (gần 5% GDP), nếu tiếp tục phát hành TPCP và nâng tỷ lệ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, vốn TPCP sẽ dẫn đến lạm phát. Năm 2009, Chính phủ đề xuất phát hành 30.000 tỷ đồng TPCP, tuy nhiên thời điểm xây dựng đề xuất phát hành TPCP năm 2009 đã khác bây giờ rất nhiều nên sẽ phải linh hoạt.

Chính sách tài khoá linh hoạt theo hướng nào, thưa Bộ trưởng?

Từ nay đến cuối năm, Chính phủ chủ trương, dự án, công trình nào được đầu tư bằng vốn TPCP, vốn ngân sách mà đẩy nhanh được, đầu tư có hiệu quả thì phải tập trung đủ vốn. Năm 2009, nếu có cơ hội để đầu tư vào các công trình, dự án mà xét thấy có hiệu quả thì sẽ chớp ngay lấy cơ hội để triển khai và nếu thấy thuận lợi có thể đề nghị Quốc hội cho tăng lượng phát hành TPCP. Đây chính là sự linh hoạt trong chính sách tài khoá.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục