Đã thống kê được chiêu chuyển giá phổ biến của doanh nghiệp FDI

Dù đã có nhiều biện pháp chống chuyển giá, né thuế trong doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư  trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng tình trạng này vẫn xảy ra, nhất là với DN có giao dịch liên kết.

Cục Thuế TP.HCM cho biết, tình trạng chuyển giá, né thuế xảy ra khá phổ biến tại các DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày; DN có hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ; DN xây dựng, quảng cáo truyền thông...

Một trong những “chiêu” được chỉ ra, đó là, DN ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu mua vào với đơn giá cao, ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu đối với hàng hóa bán ra với đơn giá thấp nhằm tối đa hóa lợi nhuận, mục đích chính là ẩn lậu thuế bằng cách chuyển thu nhập và lợi nhuận từ nước có thuế suất thuế thu nhập DN cao sang nước có thuế suất thuế thu nhập DN thấp...

Theo một cán bộ thuế, càng sản xuất, xuất khẩu nhiều, DN liên kết càng lỗ lớn. Đơn cử, giá gia công một áo sơ-mi là 1-1,5 USD, nhưng được bán tại nước ngoài với giá cao gấp hàng trăm lần. “Tiền gia công thu được không đủ trả các chi phí, thậm chí không đủ trả lương cho người lao động, nên DN cứ ‘vô tư’ báo cáo với cơ quan thuế là thua lỗ”, vị cán bộ trên nói.

Ngoài ra, quan hệ thanh toán giữa các bên có giao dịch liên kết phần lớn là thanh toán bù trừ, hoặc qua trung gian. Nhiều DN liên tục thay đổi chủ đầu tư, nhưng các chủ đầu tư cũ hay mới đều chung một tập đoàn. Đối với tài sản, thiết bị nhập khẩu từ các DN trong cùng tập đoàn có giá trị kê khai lớn, nhưng hiệu quả sử dụng thấp.

Một số DN thông qua hình thức tài trợ bằng nghiệp vụ vay từ công ty mẹ, các công ty con tạo ra cơ cấu vốn và nguồn vốn bất hợp lý, như dùng nguồn vốn vay từ công ty mẹ để tài trợ cho tài sản cố định và tài sản đầu tư dài hạn, mà không tăng vốn góp và vốn chủ sở hữu, nhằm đẩy chi phí hoạt động tài chính lên cao, như chi phí chênh lệch tỷ giá, chi phí lãi vay…

Đồng thời, chuyển một phần lợi nhuận về nước dưới dạng lãi vay, chi phí bảo lãnh vay vốn để tránh thuế, tránh lỗ do chênh lệch tỷ giá về sau, hoặc công ty mẹ hỗ trợ chi phí bán hàng cho các công ty con để công ty con thực hiện chương trình quảng cáo toàn cầu, nhằm giảm chi phí quảng cáo khống chế theo quy định của Luật Thuế thu nhập DN hiện hành.

Hậu quả của việc DN FDI chuyển giá, né thuế ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế. Năm 2013, Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện kiểm tra 33 DN có giao dịch liên kết, kết quả điều chỉnh giảm lỗ 511,70 tỷ đồng, giảm khấu trừ 13,28 tỷ đồng, truy thu 81,79 tỷ đồng, truy hoàn 2,64 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, khi cơ quan thuế phát hiện “chiêu” này, thì  DN lại thực hiện “chiêu” mới nhằm chuyển giá, né thuế. Và việc xử lý đối với các vi phạm này cũng còn không ít hạn chế.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 66/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện thông tư này trong thời gian qua chưa mang tính tích cực. Một trong những lý do mà cán bộ thuế đưa ra là tính phức tạp của việc chuyển giá, hướng dẫn của các phương pháp điều chỉnh giá giao dịch độc lập và giá giao dịch liên kết, thiếu cơ sở dữ liệu có giá trị pháp lý, nên chưa áp dụng được nhiều trong thực tiễn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Bùi Thị Nữ, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp (Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM - Hepza) khẳng định, có biểu hiện chuyển giá, né thuế của các DN FDI trong lĩnh vực dệt may, da giày đang hoạt động tại Hepza.

“Nhiều DN lỗ, nhưng thời gian qua, vẫn đầu tư thêm dự án, mở rộng sản xuất”, bà Nữ nói và cho biết, Hepza đang tổng hợp và tiến hành thu thập tài liệu, thông tin về các DN này.

Lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết, thời gian tới, sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt là với DN có số thu lớn; DN có thuế giá trị gia tăng khai âm liên tục, hoặc khai lỗ thuế thu nhập DN; DN có nhiều quyết định hoàn thuế; DN được ưu đãi về thuế...

Hồng Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục