Đã thấy tiền chuyển vào kênh chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất định hình xu hướng giảm, dòng tiền có phần dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán. Tháng 6 cũng là tháng các khoản tiền gửi được hưởng lãi suất cao từ cuối năm ngoái bắt đầu đáo hạn, ghi nhận ở nhiều công ty chứng khoán cho thấy, có lượng tiền mới chảy vào thị trường.
Nhiều nhà đầu tư cũ và mới đang rót thêm tiền vào thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư cũ và mới đang rót thêm tiền vào thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư bỏ thêm tiền vào chứng khoán

Bên cạnh câu chuyện lãi suất tiết kiệm giảm thì các chính sách thu hút tài khoản mới, kích hoạt tài khoản cũ lâu không giao dịch cũng được các công ty chứng khoán đẩy mạnh. Đặc biệt là chính sách ưu đãi phí 0% cho nhà đầu tư mở mới, hay ưu đãi lãi suất margin được triển khai tại nhiều công ty nhờ chi phí vốn giảm.

Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán nằm trong Top đầu thị phần, hiện quản lý tổng tài sản khách hàng khoảng 2.500 tỷ đồng cho biết, khách hàng mở tài khoản không quá nhiều, nhưng cứ mở là nộp tiền vào. Tiền mới nạp vào tài khoản khá nhiều.

“Tháng 6, tôi có 4 tài khoản lớn mở mới, tài khoản nộp vào ít nhất cũng hơn 20 tỷ đồng, có tài khoản nộp vào 60 tỷ đồng”, vị này cho biết.

Theo vị giám đốc môi giới, năm 2022 là năm nhiều mất mát của giới đầu tư chứng khoán, nhiều nhà đầu tư rút bớt tiền từ tài khoản đổ vào đầu tư bất động sản và hiện đang bị “kẹp” thanh khoản. Vì vậy, lượng khách hàng cũ quay lại đầu tư được khoảng 70%, nhưng con số tuyệt đối về tiền tham gia thì chắc chắn ít hơn giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ năm 2021. Với các môi giới lâu năm thì lượng khách hàng mới tăng khoảng 20% và cứ mở là nộp tiền vào. Với các môi giới trẻ, lượng tài khoản mở mới tăng gấp 2 - 3 lần, nhưng nộp tiền thì tỷ lệ khoảng 30%.

Trong tháng 6 vừa qua, có hơn 145.800 tài khoản mở mới, tăng hơn 45.000 tài khoản so với tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua.

Số liệu thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, trong tháng 6 vừa qua, có hơn 145.800 tài khoản mở mới, tăng hơn 45.000 tài khoản so với tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội tăng mạnh sau nhiều tháng sụt giảm.

Ghi nhận ý kiến thành viên thị trường, số tài khoản mở mới trong tháng 5 và tháng 6 bùng nổ một phần đến từ việc các công ty chứng khoán chạy chương trình thi đua mở tài khoản. Dự kiến, số tài khoản mở mới còn tiếp tục tăng nhờ sự thúc đẩy từ phía các công ty chứng khoán.

Nhà đầu tư quay trở lại, tiền chảy nhiều hơn vào thị trường chứng khoán là rõ rệt. Nhiều khoản cho vay qua trái phiếu doanh nghiệp đã và sắp đáo hạn, các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng tới 1 năm từ thời điểm lãi suất tiền gửi đạt đỉnh hồi cuối năm 2022 cũng dần đáo hạn… và dòng tiền này sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư mới có lợi suất cao hơn kênh tiết kiệm (khi mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh) như chứng khoán.

Các nhà đầu tư tham gia thị trường giai đoạn này hầu như là nhà đầu tư có kinh nghiệm, lựa chọn theo nhóm ngành rõ ràng, ví dụ như đầu tư công, bán lẻ, vật liệu, dầu khí, chứng khoán... Lượng nhà đầu tư đổ tiền vào nhóm cổ phiếu penny đang ít dần.

Thị trường sôi động, dòng tiền margin từ các công ty chứng khoán dồi dào cũng được bơm ra thị trường. Hiện lượng cho vay của các công ty chứng khoán hầu như nằm ở khoảng 50 - 60% so với đỉnh năm 2022.

“Thị trường chứng khoán đang hấp thụ tiền tốt, rất nhiều khách hàng đã full margin”, giám đốc môi giới này cho biết.

Trong hơn 1 tháng gần đây, nhà đầu tư thường xuyên chứng kiến các phiên giao dịch có giá trị trên 15.000 tỷ đồng trên sàn HOSE, nhiều phiên có thanh khoản trên 20.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, về cơ bản, nhà đầu tư cá nhân trong nước quay lại với thị trường chứng khoán có lượng giải ngân không nhiều như thời điểm năm 2021, hay đầu năm 2022.

Ông Minh phân tích, trong 3 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân có nộp tiền vào tài khoản nhưng khá rụt rè, lượng tài khoản mở mới thấp. Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, số lượng nhà đầu tư đẩy tiền vào tài khoản chứng khoán đã tăng lên, một phần do đợt đáo hạn tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và mặt bằng lãi suất tiết kiệm bắt đầu hạ sau khi Ngân hàng Nhà nước có động thái hạ lãi suất điều hành và các ngân hàng thương mại cũng hạ lãi suất huy động khi thanh khoản hệ thống dồi dào. Từ tháng 5, nhà đầu tư bắt đầu tăng quy mô đầu tư vào thị trường chứng khoán. Việc khai thác khách hàng mới của các công ty chứng khoán theo đó cũng dễ dàng hơn trong quý II.

Nhưng theo ông Minh, có một vấn đề tồn đọng là nhà đầu tư bị lỗ nặng kể từ đỉnh VN-Index vào tháng 4/2022 có 2 trạng thái. Một là, họ không quan tâm thị trường do đã chấp nhận cắt lỗ và nhìn nhận thị trường từ tháng 4 tới nay tuy có hồi phục nhưng chưa lấy lại mốc rõ ràng.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết chưa cải thiện thì họ càng có lý do chưa quay trở lại thị trường. Hai là, đối tượng vẫn “ôm hàng” từ năm ngoái đến nay, NAV bị thiệt hại nặng nề, có nhà đầu tư bỏ vào 40 tỷ đồng nhưng giảm quá nửa, nên những nhà đầu tư này rơi vào trạng thái “mê sảng” với thị trường. Họ quá sợ nên nằm im, không nộp thêm tiền vào tài khoản, “số lượng này cũng nhiều”.

Một điểm tích cực, theo ông Minh, là giai đoạn 2020 - 2021, thị trường hút được một lượng lớn nhà đầu tư mới, nhất là người trẻ tuổi, họ chấp nhận cắt lỗ và thị trường có sóng thì trở lại. Tất nhiên, độ hào hứng không còn như năm 2021.

Trading vẫn là xu hướng chính

Thời điểm này, nhiều chuyên gia chứng khoán cùng chung nhận định, trong nửa cuối năm 2023, nhà đầu tư vẫn ở lại thị trường, thậm chí rót thêm tiền vào tài khoản vì nhu cầu đầu tư, lượng tiền nhàn rỗi tăng lên.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, khách hàng giai đoạn qua nạp thêm tiền vào tài khoản khá nhiều. Các nhà đầu tư chủ yếu trading ngắn hạn, mua bán liên tục hơn là nắm giữ dài hạn. Trong các nhịp thị trường tăng tốt, nhiều nhà đầu tư tranh thủ chốt lời và tiếp tục canh mua nhóm cổ phiếu đang hút dòng tiền. Chẳng hạn, giai đoạn này, họ đang quan tâm nhiều tới nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp, năng lượng tái tạo, đầu tư công và ngân hàng.

Đầu tư công là một trong những nhóm cổ phiếu hút dòng tiền nhất hiện nay.
Đầu tư công là một trong những nhóm cổ phiếu hút dòng tiền nhất hiện nay.

Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, nên sẽ hồi phục trước sự hồi phục của nền kinh tế và ngược lại. Với kỳ vọng nền kinh tế đã đi qua giai đoạn xấu nhất và có khả năng hồi phục vào năm sau thì thị trường chứng khoán càng có cơ sở để hút dòng tiền. Chưa kể, chi phí vốn khi đầu tư vào chứng khoán giảm rất nhiều, các công ty chứng khoán chạy đua miễn phí giao dịch, cộng với lãi suất cho vay margin bắt đầu hạ nhiệt, nên nhà đầu tư thấy điều kiện để họ kiếm lời trên thị trường chứng khoán rất lớn.

Ông Minh cũng đồng quan điểm rằng, nhà đầu tư vẫn lướt sóng nhiều hơn là mua nắm giữ 3 - 4 tháng, hay 6 tháng. Họ chưa có ý tưởng này khi kết quả kinh doanh các doanh nghiệp đang tệ, nên chưa có cơ sở để nắm giữ lâu.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán vẫn có những biến số khó lường như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất, căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung… Nhà đầu tư không thể định lượng được rủi ro, nên thanh khoản thị trường chưa thể quay lại như giai đoạn năm 2021. Nhà đầu tư cũng sẽ không rút hết tiền từ tiết kiệm để “all in” cho kênh chứng khoán.

Ngoài ra, nhà đầu tư vẫn ưa thích đầu tư vào những doanh nghiệp có câu chuyện riêng và sẽ hút được dòng tiền. Nhìn lại 6 tháng đầu năm, nhóm hút dòng tiền tốt là đầu tư công, xây dựng và vật liệu xây dựng, mặc dù hiệu suất sinh lời của nhóm vật liệu xây dựng rất thấp, chỉ khoảng 5 - 8% trên vốn điều lệ nhưng tiền vẫn vào vì cơ bản không có cổ phiếu nào có câu chuyện rõ ràng ngoài đầu tư công.

Hay những cổ phiếu nhóm doanh nghiệp chăn nuôi, kết quả kinh doanh cũng rất tệ nhưng thấy giá lợn nhích lên một chút thì vẫn đua vào kéo giá cổ phiếu. "Nhà đầu tư sẽ dịch chuyển từ nhóm này qua nhóm nọ, chỉ vài phiên là họ có thể dịch chuyển sang nhóm khác", ông Minh nhìn nhận.

Thường những nhà đầu tư lướt sóng, ra vào liên tục sẽ không có hiệu quả đầu tư cao, còn những nhà đầu tư mua nắm giữ theo xu hướng đi lên có thể sẽ có hiệu quả tốt hơn. Nhưng nhà đầu tư hiện tại đang trading liên tục, chưa có chu kỳ mua nắm giữ bền vững như giai đoạn 2020 - 2021.

Nhận diện cơ hội cuối năm

Chỉ số chứng khoán có tương quan nghịch với lãi suất và tỷ giá. Về cơ bản, hai biến số này đang hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán.

Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2023 cũng được dự báo sẽ tốt hơn so với cùng kỳ 2022 và khả quan hơn so với 2 quý đầu năm, qua đó, đưa định giá cổ phiếu về mức hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu hiện tại đang ở mức thấp, biên lãi ròng của các doanh nghiệp sẽ tăng lên, từ đó cải thiện lợi nhuận doanh nghiệp trong quý III - IV/2023. Theo ông Minh, định giá P/E dự phóng năm nay có thể quanh mức 12 lần, về cơ bản vẫn dưới mức trung bình 7 năm (17 lần).

Động lực lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam được nhiều chuyên gia đồng thuận sẽ đến từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ, kích thích tăng trưởng kinh tế.

“Tôi kỳ vọng VN-Index sẽ có những đợt tăng điểm rất tốt trong 6 tháng cuối năm, nhưng trung bình 6 tháng vẫn lình xình quanh 1.200 điểm”, ông Minh nhận định.

Theo chuyên gia, các cổ phiếu nên có sự quan tâm trong 6 tháng cuối năm là các cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp từ lãi suất giảm, trong khi chưa tăng giá nhiều. Đặc biệt, trong bối cảnh có những câu chuyện hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư như động thái của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng thanh khoản thị trường bất động sản, nhóm cổ phiếu ngành này có thể sẽ “lĩnh xướng” trong 6 tháng cuối năm. Thứ hai là nhóm còn động lực tăng, nhóm này được hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công, lãi suất giảm và thanh khoản bất động sản ổn dần trong quý IV và đầu năm 2024 như xây dựng và vật liệu xây dựng. Thứ ba là nhóm dầu khí, hưởng lợi từ việc khởi động dự án lô B – Ô Môn.

Còn hai nhóm khác, theo ông Minh, có dư địa tăng, nhưng không bằng ba nhóm trên là chứng khoán và bán lẻ, xoay quanh câu chuyện lãi suất giảm, phục hồi kinh tế.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS)

Dù nhóm cổ phiếu trợ lực như ngân hàng, chứng khoán, vật liệu xây dựng chưa đồng thời “vùng lên” thì thị trường vẫn phát đi những tín hiệu tích cực. Hiện tại, việc luân chuyển tiền giữa các ngành đang xảy ra, giúp mặt bằng giá được nâng lên. Quan trọng là dòng tiền không rút ra khỏi thị trường thì có thể thu hút thêm tiền mới.

Nếu nhìn về dòng tiền mới từ khối ngoại thì hiện một số quỹ của Đài Loan rất quan tâm và đã phân bổ lượng tiền lớn. Lý do cho việc này là bởi các quỹ đầu tư từ Đài Loan kỳ vọng các yếu tố nội tại sớm được Chính phủ giải quyết.

Với thị trường hiện tại, dòng tiền ngoại không còn là động lực quá lớn. Hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân đang chiếm ưu thế, dòng vốn ngoại chỉ còn chiếm tỷ trọng nhỏ nên tác động của dòng vốn này là không nhiều. Nói cách khác, dòng vốn ngoại giờ mang tính tâm lý nhiều hơn.

Giai đoạn vừa qua, khi khối ngoại liên tục bán ròng nhưng thị trường vẫn đi lên, điều này cho thấy vai trò khối nội cao hơn. Trong đó, chủ lực vẫn là dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân.

Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE

Thanh khoản thị trường đang có xu hướng tăng trong quý II. Đặc biệt, trong tháng 4 và tháng 6, thanh khoản đã tăng lần lượt 25,8% và 27,2% so với tháng trước và đạt 19.829 tỷ đồng/phiên trong tháng 6, tăng 64,8% so với bình quân của tháng 1. Giá trị giao dịch bình quân quý II/2023 tăng khoảng 37% so với quý trước đó.

Về cơ bản, các nhà đầu tư đang trong giai đoạn hưng phấn khi đón nhận những thông tin hỗ trợ. Chính phủ chỉ đạo về việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%/năm, đồng thời vẫn giữ nguyên mức tăng trưởng tín dụng ở mức 13 - 15% trong năm nay theo Nghị quyết 97 ngày 8/7/2023.

Trước hết, khi lãi suất giảm, việc gửi tiền sẽ trở thành một kênh đầu tư kém hấp dẫn so với những kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, với việc bất động sản hiện tại vẫn đang trong giai đoạn hồi phục, kênh đầu tư chứng khoán sẽ là lựa chọn phù hợp hơn và sẽ thu hút được nhiều dòng tiền nhàn rỗi trong tương lai.

Việc tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường lúc này cũng cần có sự kỹ lưỡng. Đặc biệt, vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, các yếu tố nội tại của doanh nghiệp về khả năng tăng trưởng, hấp thụ vốn, phục hồi… sẽ được phản ánh khá rõ nét trong giai đoạn này.

Điểm tích cực của thị trường chứng khoán là việc còn nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng cho các doanh nghiệp và các doanh nghiệp khi tận dụng được điều này sẽ là bước đệm quan trọng để nền kinh tế thực sự bứt phá trong nửa cuối năm 2023.

Phan Hằng - Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục