Đà tăng của TTCK dự kiến kéo dài hết quý I/2014

(ĐTCK)“Năm 2014, với kịch bản lạc quan, VN-Index có thể tiệm cận mốc 600 điểm, nên mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn…”.
 
Đà tăng của TTCK dự kiến kéo dài hết quý I/2014

Đó là nhận định của ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK Ngân hàng Đầu tư và  Phát triển Việt Nam (BSC) khi trao đổi với ĐTCK.

Năm 2013, BSC là một trong số rất ít CTCK phát hành Báo cáo triển vọng năm; trong đó, có đánh giá triển vọng những ngành kinh tế cơ bản, cũng như các mã cổ phiếu. Ông có thể cho biết kết quả dự báo của BSC chính xác tới đâu?

VN-Index năm 2013 đã đóng cửa ở mức 504 điểm, trong vùng điểm dự báo của BSC (500 - 520 điểm).

Diễn biến TTCK 2013 cũng nằm trong dự báo mà chúng tôi đã đưa ra: thị trường tăng đầu năm, điều chỉnh giữa năm và tăng trở lại cuối năm…

Ngoài đánh giá đúng sự phục hồi và tăng trưởng mạnh của ngành điện và dược, BSC cũng đưa ra nhận định cơ hội ngắn hạn với ngành ngân hàng, bất động sản, xây dựng, thủy sản, thép và bi quan với ngành phân bón, khoáng sản.

Dù vậy, chúng tôi chưa đánh giá đúng sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dầu khí và vận tải trong năm qua.

Đầu năm 2013, BSC đưa ra danh sách 48 mã cổ phiếu đáng lưu ý trong năm 2013. Các mã này bình quân đã tăng giá vượt 50% so với VN-Index. Số mã tăng giá đạt 33/48, 5 mã giảm nhẹ và đứng giá, chỉ có 10 mã giảm mạnh hơn 5% trong năm 2013.

Chúng tôi đã tìm ra và khuyến nghị đầu tư 5 mã có mức tăng giá cao nhất thị trường (không tính các mã penny) là TCM (227%), TRA (174%), PVT (172%), HSG (114%), PPC (102%); 11 mã có mức tăng trên 50% trong năm. Mức tăng giá bình quân của 33/48 cổ phiếu đạt 58%.

Vậy còn năm 2014 thì sao?

TTCK trong phần lớn thời gian 4 năm qua đã nằm dưới ngưỡng 500 điểm, chưa bằng 1/2 mức điểm năm 2007. Trong khi các TTCK khu vực châu Á đều đã tăng trưởng rất mạnh trong 4 năm liên tiếp, vượt xa các mức đỉnh lập từ trước khủng hoảng năm 2007.

Năm 2014, BSC cho rằng sẽ đến lượt TTCK Việt Nam tăng trưởng ấn tượng. Với kịch bản lạc quan, VN-Index có thể tiệm cận mốc 600 điểm trong năm 2014. So với các kênh đầu tư truyền thống là gửi tiết kiệm, vàng, ngoại tệ và bất động sản, thì chứng khoán đang rất hấp dẫn.

Năm 2014, dự báo TTCK có quá trình tăng điểm chậm nhưng chắc chắn, sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu và các ngành sẽ diễn ra mạnh mẽ. Các nhóm ngành, cổ phiếu NĐT nước ngoài ưa thích, sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo chi phối thị trường.

BSC đánh giá những yếu tố đảm bảo cho sự tăng trưởng của TTCK năm 2014 bắt nguồn từ nền tảng vĩ mô đang phục hồi chậm, nhưng có định hướng và rõ nét.

Thêm vào đó là kỳ vọng Việt Nam gia nhập TPP và ký các hiệp định FTA với EU, Nga trong năm 2014. Rủi ro năm 2014 chủ yếu đến từ nguy cơ lạm phát.

Mô hình mà BSC theo dõi các chỉ số vĩ mô và kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết đang cho thấy, kinh tế vĩ mô đang bắt đầu đi vào giai đoạn phục hồi. Vĩ mô vững chắc sẽ là nền tảng cho sự tăng trưởng của TTCK trong năm 2014.

Các mô hình theo dõi biến động TTCK của BSC cũng cho thấy, TTCK đang có cơ hội lớn hơn so với năm 2013. Chúng tôi cũng đã khảo sát sự biến động của TTCK trong những năm gần đây theo ngành và theo nhóm cổ phiếu.

Qua đó nhận thấy các nhóm cổ phiếu midcap bắt đầu chiếm ưu thế. Chúng tôi nhận thấy TTCK Việt Nam đã vào giai đoạn cuối của chu kỳ phục hồi đầu tiên trước khi bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ hơn tiếp theo, với độ rộng thị trường lớn hơn.

Đâu là cơ hội đầu tư trong năm 2014, thưa ông?

Chiến lược trung và dài hạn với các cổ phiếu quy mô lớn, cơ bản tốt sẽ tiếp tục là xu hướng đầu tư chủ đạo của thị trường năm 2014. Tuy vậy, cơ hội đầu tư ngắn hạn cũng sẽ xuất hiện khi những cổ phiếu quy mô nhỏ có kết quả kinh doanh cải thiện và được TTCK chú ý.

Xét theo nhóm cổ phiếu, từ cuối năm 2013, chúng tôi nhận thấy sự phục hồi mạnh mẽ hơn của nhóm midcap khi thị giá tăng 36,6%, vượt qua largecap và bluechips tính cả năm 2013. Năm 2014 sẽ là năm của các cổ phiếu cỡ vừa, vốn hóa từ 300 - 1.000 tỷ đồng, có kết quả kinh doanh cải thiện.

Xét theo nhóm ngành, các ngành đang hưởng lợi từ các chính sách và kỳ vọng năm 2014 như dầu khí, dệt may, thép... và một số nhóm ngành bắt đầu có sự cải thiện về cơ bản như: bất động sản, xây dựng, thủy sản... Bên cạnh đó, các ngành vốn luôn được đánh giá cao như điện, dược phẩm, thực phẩm vẫn sẽ tiếp tục được các NĐT lựa chọn.

Xu thế tăng của thị trường nhờ kỳ vọng từ cuối năm 2013, dự kiến sẽ kéo dài hết quý I/2014. Quá trình điều chỉnh, kiểm định tâm lý thị trường sẽ diễn ra nửa sau quý II. Diễn biến thị trường nửa sau năm 2014 sẽ phụ thuộc vào chuyển biến thực sự của kinh tế vĩ mô. Nếu các yếu tố hỗ trợ xuất hiện mạnh mẽ, thì thị trường sẽ tăng trở lại vào nửa sau năm 2014 và đạt đỉnh cao hơn trong năm.

Hữu Đạo thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục