39 năm từ sau Ngày Giải phóng, Đà Nẵng đã thay da đổi thịt, mở rộng phạm vi nội thị ra bán kính 15 km, thị dân hóa được gần như toàn vẹn cộng đồng nơi đây. Quan trọng hơn, người ta đã bắt đầu quen với hình ảnh một thành phố tiên phong và năng động.
Đà Nẵng đã lọt vào danh sách 100 “thành phố thông minh hơn” của chiến lược phát triển công nghệ thông tin thế hệ mới trên thế giới. Đà Nẵng cũng lọt vào danh sách đầu sổ những thành phố có môi trường kinh doanh tiềm lực cho doanh nhân, ở khu vực ASEAN. Nhiều người cho biết, nếu tra dòng chữ “Đà Nẵng, thành phố đáng sống” trên Google, thì trong vòng chưa đầy 0,22 giây, đã có trên 22 triệu kết quả. Các ý kiến này đều cho rằng, Đà Nẵng đáng sống vì có môi trường xanh, ít ô nhiễm, hạn chế kẹt xe, nhưng vẫn khá nhộn nhịp, đa dạng tiện ích, thu nhập tốt, mức sống dễ chịu…
Trao đổi về vấn đề này, một vị lãnh đạo Đà Nẵng bộc bạch: “Chưa có một công bố chính thức nào về cụm từ ‘đáng sống’ của Đà Nẵng, nhưng đây là mục tiêu mà Thành phố đang hướng đến. Đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống”.
Đà Nẵng vừa công bố điều chỉnh chiến lược quy hoạch phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 với dấu ấn mạnh mẽ: sẽ là thành phố trung tâm kinh tế, tài chính mạnh của cả nước.
Hàng loạt mưu tính nâng tầm đô thị, khẳng định các giá trị dân sinh, phát triển hạ tầng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện và thiết chế một chính quyền điện tử “do dân, vì dân” đã được Đà Nẵng đặt ra ở kế hoạch này.
Đà Nẵng sẽ có 2,5 triệu dân, chủ yếu là thị dân có đời sống sung túc cho đến năm 2030.
Đà Nẵng sẽ có chiến lược phát triển hạ tầng giao thông toàn diện, hạ tầng thiết kế kiến trúc hiện đại ngang tầm khu vực cho đến năm 2030.
Đà Nẵng sẽ là môi trường đầu tư năng động cho các nhà đầu tư tài chính, công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ dân sinh… chất lượng trong thời gian tới. Đà Nẵng sẽ là thành phố tiên phong hiện thực mô hình chính quyền điện tử.
Điều này, nếu đặt cạnh Đà Nẵng quá khứ, Hà Nội và TP.HCM hiện có, người ta sẽ nhận ra ngay sự thay đổi. Một lãnh đạo TP.HCM từng bày tỏ: “Ấn tượng thành phố đáng sống của Đà Nẵng rất lớn, khiến tôi cũng cảm thấy yêu thích và muốn được sống ở đó. Người Đà Nẵng có quyền tự hào rằng, thành phố của họ đã thay đổi rất nhiều”.
Ngay với những lãnh đạo Thừa Thiên Huế, mảnh đất sát cạnh mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống, cũng bày tỏ sự mến mộ trước tốc độ phát triển đô thị tích cực và đầu tư vào công tác dân sinh hiệu quả của Đà Nẵng.
Ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, mỗi lần vào Đà Nẵng, là ông lại thấy có một vài điểm mới, đẹp hơn và đáng học tập hơn. Bởi những thành tích khởi động ấy, mà việc Đà Nẵng hoạch định phải thành một tâm điểm kinh tế - xã hội trong tương lai gần, đã lập tức nhận được ủng hộ của đông đảo người dân và nhất là thái độ kiên định từ lãnh đạo địa phương.
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng đúc kết rằng, những hoạch định đó là có cơ sở, vì Đà Nẵng hội tụ được 4 yếu tố hành động: cộng đồng dám nghĩ dám làm; lãnh đạo tự ái cách mạng, dám chịu trách nhiệm; doanh nghiệp tin tưởng hợp tác, góp sức nỗ lực; báo chí theo dõi sát sườn, động viên cổ vũ, nhưng cũng phê phán mạnh mẽ. Phải mất 39 năm để có được những “nội lực” này, rõ ràng Đà Nẵng đã thay đổi hoàn toàn!
“Chúng ta đang mơ đến một thành phố môi trường bền vững dẫn đầu cả nước, một đô thị hiện đại sánh vai các thành phố tiên tiến thế giới, một vùng đất ‘thông minh’ hơn có đẳng cấp quốc tế, thì chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn. Với cá tính con người Đà Nẵng, tinh thần hợp tác chung tay phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, chúng ta tự tin sẽ làm được”, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.