Theo báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng tại kỳ họp thứ 4 nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng thu hút đầu tư của Thành phố vẫn đạt được những con số ấn tượng.
Theo thống kê, đến ngày 15/11, TP.Đà Nẵng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 22 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 4.668 tỷ đồng. Về dự án FDI, Thành phố đã cấp mới 34 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 149,503 triệu USD, giảm 53% về số dự án, nhưng tăng 21% về vốn. Ngoài ra, có 17 lượt dự án FDI tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 10,21 triệu USD.
Thành phố Đà Nẵng cũng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.219 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 15.358 tỷ đồng.
Lũy đến 15/11/2021, trên địa bàn TP.Đà Nẵng có 34.473 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 227.734 tỷ đồng; 345 dự án đầu tư trong nước ngoài KCN với tổng vốn đầu tư 123.686 tỷ đồng; 376 dự án đầu tư trong nước trong các KCN, khu Công nghệ cao, khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư 27.607,9 tỷ đồng và 911 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 3,866 tỷ USD.
Theo Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.Đà Nẵng do tác động quá lớn của dịch bệnh nên kinh tế Thành phố năm 2021 sụt giảm, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng có mức tăng trưởng khá thấp, không đạt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GRDP trên địa bàn thành phố năm 2021 ước đạt 0,18% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, việc giữ được tăng trưởng GRDP không âm trong năm 2021 là cho thấy đây là cố gắng rất lớn của Thành phố.
Bên cạnh đó, với nỗ lực của các doanh nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 trên địa bàn TP.Đà Nẵng vẫn duy trì mức khá so với cùng kỳ như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 15,4%; kim ngạch nhập khẩu tăng 12,4%; tổng doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông tăng 9,9%; kim ngạch xuất khẩu phần mềm tăng 6,3%.
Về công tác thu hút đầu tư, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.Đà Nẵng nhận định, trong năm 2021, do tình hình dịch bệnh, số lượng dự án và số vốn thu hút giảm so với cùng kỳ.
Để thu hút đầu tư một cách hiệu quả, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.Đà Nẵng đề nghị UBND Thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư các dự án vào Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Đồng thời, đề nghị rà soát quỹ đất tại các khu công nghiệp để ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di dời các cơ sở sản xuất lớn, đã hết thời gian thuê đất tại các địa điểm cũ trong khu vực nội đô nhằm hỗ trợ để sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đất tại 6 khu công nghiệp của TP. Đà Nẵng gần như lấp đầy. |
Bên cạnh đó, khẩn trương có giải pháp mạnh mẽ để tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Hiện nay, đất tại 6 khu công nghiệp của TP. Đà Nẵng gần như lấp đầy; đất tại Khu công nghệ cao thì hàm lượng khoa học kỹ thuật, quy mô của Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố không đủ khả năng tiếp cận, nên rất trông chờ mặt bằng tại các Cụm Công nghiệp, Khu công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập liên quan đến việc đầu tư, quản lý, sử dụng các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố như: Phương án quản lý vận hành đối với Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ sau khi đầu tư bằng ngân sách thành phố; việc lập quy hoạch bị chồng lấn, dẫn đến đề xuất hủy Quyết định chủ trương đầu tư đối với Cụm công nghiệp Hòa Hiệp Bắc....
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng đề nghị UBND Thành phố sớm có phương án xử lý dứt điểm các tồn tại tại các khu công nghiệp; cũng như sớm có khai thác, vận hành, sử dụng Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ; Khu công viên phần mềm số 2; Dự án khu phụ trợ khu công nghệ cao để doanh nghiệp sớm có cơ hội tiếp cận được nguồn mặt bằng này.