Chặn đường xuống biển
Trong quá trình thi công dự án, nhiều chủ đầu tư đã rào chắn lối xuống xuống biển mà lâu nay là đường mưu sinh của người dân.
Sự việc mới đây là việc chặn lối xuống biển tại Dự án Lancaster Nam Ô Resort Đà Nẵng tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu của Tập đoàn Trung Thủy.
Động thái này như giọt nước tràn ly khi những bức xúc của người dân đã biến thành hành vi cản trở và gây hấn với đại diện chủ đầu tư và lực lượng chức năng chính quyền địa phương.
Bà Phạm Thị Phương Thảo (tổ 51, phường Hòa Hiệp Nam) tiếc nuối khi nói về bãi biển Nam Ô: “Người dân làng Nam Ô bao đời sống dựa vào biển, đánh bắt hải sản, làng mắm truyền thống Nam Ô cũng từ cá biển. Việc chặn lối xuống biển mưu sinh khác gì đẩy người dân vào bước đường cùng”.
Câu chuyện người dân làng Nam Ô bị chặn lối xuống biển chỉ là một trong nhiều trường hợp trên địa bàn TP. Đà Nẵng, nhất là ở quận Ngũ Hành Sơn. Hơn 10 km bờ biển trên địa bàn quận này đã bị các dự án du lịch chắn lối, người dân muốn xuống biển phải đi vòng rất xa.
Người dân làng Nam Ô bao đời sống dựa vào biển, đánh bắt hải sản, làng mắm truyền thống Nam Ô cũng từ cá biển. Việc chặn lối xuống biển mưu sinh khác gì đẩy người dân vào bước đường cùng.
Ông Nguyễn Hường (Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) than thở, ngày dự án “treo”, muốn xuống tắm biển, người dân phải tìm cách chui rào. Nay dự án làm chắn hết lối xuống biển, bãi biển công cộng thì xa gần 3 km. Vậy là dân ngồi nhìn biển từ xa.
Trong khi đó, tại khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), nơi có hơn 40 dự án bất động sản nghỉ dưỡng hiện diện cũng đang xảy ra tình trạng tương tự.
Khu du lịch The Anam do Công ty TNHH MTV Biển Đông Bãi Dài làm chủ đầu tư, rào chắn tôn chỉ để lại 2 ô nhỏ; Khu nghỉ dưỡng cao cấp Duyên Hà do Công ty TNHH Duyên Hà làm chủ đầu tư, hai bên dự án này đều có đường dân sinh dẫn xuống biển, nhưng nhà đầu tư lập chốt bảo vệ.
Trả lại lối xuống biển cho người dân
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, việc mở các lối xuống biển là chủ trương nhất quán của Thành phố, nhằm đảm bảo thuận lợi quyền tiếp cận không gian biển của người dân và du khách.
Từ đoạn bãi tắm Sao Biển đến giáp tỉnh Quảng Nam dài khoảng 10 km, ngoài 4 bãi tắm công cộng đã được quy hoạch và đang đầu tư thì Thành phố đã phê duyệt quy hoạch và lập thủ tục đầu tư 5 lối xuống biển.
Trong đó, lớn nhất là lối giữa Furama resort và Cung Hội nghị quốc tế Ariyana, có bề rộng từ 35 - 47 mét. Ngoài ra, cũng có thêm 4 lối đi xuống biển nhỏ khác.
Ông Hùng cũng cho hay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình UBND Thành phố bố trí vốn năm 2018, dự kiến 5 tỷ đồng để triển khai thực hiện lối đi xuống biển giữa dự án Furama và Ariyana.
Đối với dự án tại Nam Ô của Tập đoàn Trung Thủy, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành văn bản nêu ý kiến chỉ đạo của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, thông báo dựa trên buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Trung Thủy, qua đó kết luận:
Yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, thực hiện việc trùng tu, tôn tạo các công trình di tích lịch sử tại khu vực; đề xuất các phương án bảo tồn làng nghề, các yếu tố văn hóa và lịch sử của khu vực này, cũng như xác định vị trí khu vực bãi tắm công cộng; tổ chức khảo sát, đánh giá hạ tầng khu dân cư chỉnh trang và đề xuất phương án cải tạo giao thông, tạo lối xuống biển,
Trong đó lưu ý đến tuyến đường giáp ranh giữa khu dân cư và dự án nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng tại khu vực.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, quy định của Luật Biển và cũng là chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, khu vực biển phải là của cộng đồng và người dân được quyền thụ hưởng.
Vì vậy, trong công tác quy hoạch đối với các dự án ven biển phải có lối xuống biển và có đường đi bộ, đi xe đạp cho người dân và du khách.
“Đối với dự án ven biển, kể cả những dự án đã triển khai, Thành phố đã có chủ trương lấy đất làm đường ven biển với chiều rộng từ 3,5 - 5m và mở đường xuống biển cho người dân.
Bờ biển phải là không gian công cộng chứ không phải của riêng dự án”, ông Trương Quang Nghĩa khẳng định.
Cũng với những động thái quyết liệt dành nhiều hơn không gian biển cho người dân và du khách, đối với khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh, UBND tỉnh Khánh Hòa đã mở các lối xuống biển và yêu cầu Ban quản lý Khu du lịch tăng cường theo dõi việc chấp hành của các doanh nghiệp tại khu du lịch này để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng, người dân.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, Thành phố đang trình UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét, thông qua quy hoạch các khu vực hoạt động thể thao, vui chơi trên biển dành cho nhân dân và quy định về lắp đặt dù che trên bãi biển Nha Trang.
Theo đó, toàn bộ khu vực bãi biển từ trước cổng UBND tỉnh Khánh Hòa (số 1 - Trần Phú) đến khu khách sạn Anna Mandara sẽ được sắp xếp lại. Số dù được phép đặt tối đa tại khu vực này sẽ chỉ chiếm 10% diện tích bãi biển. Đặc biệt, các khách sạn tuyệt đối không được chăng dây, cắm cờ "cát cứ" bãi biển.