Đà Nẵng lập Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa, mời Quảng Nam góp ý

0:00 / 0:00
0:00
Đà Nẵng lấy ý kiến góp ý của Quảng Nam về Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong việc triển khai phát triển du lịch đường thủy để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đường thủy.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, lập văn bản góp ý với UBND TP. Đà Nẵng về Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 có mục tiêu khai thác toàn diện tuyến đường thủy nội địa và đường thủy từ bờ ra đảo đã được phê duyệt quy hoạch; bổ sung quy hoạch một số tuyến đường thủy từ bờ tra đảo và tuyến đường thủy đến một số địa phương khu vực duyên hải miền Trung; kết nối tuyết đường thủy từ Sông Hàn - Hội An, tỉnh Quảng Nam; quy hoạch khu vực và các điều kiện hạ tầng, đội tàu phục vụ phân khúc khách cao cấp, siêu hạng.

Đối với tuyến Sông Hàn và tuyến Bến thủy nội địa K20 đi sông Cổ Cò - sông Cẩm Lệ - sông Túy Loan - sông Vĩnh Điện - sông Yên - sông Quá Giáng, Đà Nẵng phấn đấu đưa vào khai thác tuyến Sông Hàn đi sông Cổ Cò vào ban ngày.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp, khai thác toàn diện và hiệu quả các tuyến chủ lực (bao gồm tuyến sông Hàn đi sông Cổ Cò và các tuyến trên sông khác).

Cụ thể, Đà Nẵng sẽ tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật trên cơ sở kế thừa kết quả trong giai đoạn 2024 - 2025, khai thác toàn diện, hiệu quả các tuyến chủ lực (Sông Hàn đi sông Cổ Cò); khai thác tuyến Sông Hàn đi sông Cổ Cò vào ban ngày và ban đêm kết nối với Hội An bằng đường bộ sau khi tham quan Ngũ Hành Sơn.

Đến năm 2030, Đà Nẵng phát triển và khai thác các tuyến: Tuyến Sông Hàn (Đà Nẵng) - sông Cổ Cò - Hội An (sau khi hoàn thành khơi thông sông Cổ Cò tại địa phận Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam).

Trong giai đoạn 2030 - 2045, Đà Nẵng hình thành tuyến đường thủy tờ bờ ra đảo mới; hình thành các tuyến đường thủy liên kết từ Đà Nẵng đến các cảng thủy nội địa tại các địa phương khu vực miền Trung (có bao gồm Quảng Nam).

Về giải pháp đầu tư, phát triển tuyến đường thủy nội địa, Đà Nẵng tập trung nguồn lực nhà nước và nguồn lực doanh nghiệp để xây dựng sản phẩm du lịch đường thủy với các tuyến chủ lực Sông Hàn - sông Cổ Cò (tham quan Ngũ Hành Sơn và kết nối Hội An); hình thành tuyến đường thủy từ bờ ra đảo mới; hình thành các tuyến đường thủy liên kết từ Đà Nẵng đến các cảng thủy nội địa tại các địa phương khu vực miền Trung (có bao gồm Quảng Nam).

Về giải pháp liên kết, phát triển du lịch đường thủy, Đà Nẵng cho biết sẽ xây dựng các dự án, chương trình liên kết du lịch đường thủy nội địa, đường biển bằng tàu cao tốc, du lịch thuyền với các địa phương lân cận (bao gồm có Quảng Nam) và các địa phương ven biển trên cả nước.

Việc Đà Nẵng lấy ý kiến góp ý của Quảng Nam nhằm gắn kết sự phát triển liên kết vùng giữa 2 địa phương; tạo sự đồng thuận, thống nhất trong việc triển khai phát triển du lịch đường thủy để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đường thủy, tạo sản phẩm du lịch chính hấp dẫn, đặc sắc.

Nhiệt Băng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục