Đà Nẵng: Kêu gọi phát triển dịch vụ du thuyền

0:00 / 0:00
0:00
Lợi thế chiều dài sông Hàn đẹp, sông Cổ Cò đang khơi thông vào đến Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng bắt tay vào phát triển đề án phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền.
Du thuyền Aviva của tỷ phú người Anh, Joe Lewis cập cảng Tiên Sa, thăm TP Đà Nẵng tháng 5/2019 Du thuyền Aviva của tỷ phú người Anh, Joe Lewis cập cảng Tiên Sa, thăm TP Đà Nẵng tháng 5/2019

Sở Công Thương, Sở Du lịch Đà Nẵng đã có báo cáo “Đề án phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền” (gọi tắt là đề án) lên lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng.

Theo Sở Công Thương, du thuyền tại Đà Nẵng hiện trạng được phân làm 3 loại: du thuyền đường thủy nội địa, du thuyền ven biển tại Đà Nẵng, du thuyền quốc tế đến Đà Nẵng.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia có mô hình phát triển du thuyền trên thế giới, Đề án cũng chỉ ra các mô hình đã được xây dựng trong nước như tại Hạ Long, Bãi Cháy (Quảng Ninh); Nha Trang (Khánh Hòa), Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đó, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ du thuyền gồm: quy hoạch bến du thuyền quốc tế Đà Nẵng đề xuất địa điểm tại khu vực từ đường Bạch Đằng đến đường Như Nguyệt (quận Hải Châu).

Các bến tàu dự kiến được bố trí tại tất cả các điểm tham quan chính dọc theo sông Hàn, sông Cổ Cò, bao gồm trung tâm thành phố, khu vực Trung tâm thể thao Tiên Sơn, Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn...; quy hoạch vị trí bến đón khách; chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch.

Để khai thác tiềm năng này, giai đoạn 1 Đề án đề xuất xây dựng mới cảng Liên Chiểu, từng bước chuyển giao vai trò cảng Tiên Sa; giai đoạn 2 cảng Liên Chiểu hoàn thành thay thế, chuyển đổi hoàn toàn cảng Tiên Sa thành cảng du lịch..; rà soát các quy hoạch liên quan như tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà); hiện trạng các khu công nghiệp Đà Nẵng; sơ bộ xác định vị trí dự án công nghiệp đóng mới, sửa chữa du thuyền; sơ bộ xác định vị trí dự án bến kết hợp đô thị du thuyền...

Trong khi đó, Sở Du lịch Đà Nẵng đề xuất các đơn vị liên quan tham mưu cho thành phố có văn bản về đường thủy nội địa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Còn Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, thì: đơn vị tư vấn nên có sự so sánh, đánh giá hiện trạng, cơ hội thách thức với loại hình dịch vụ du thuyền tại Đà Nẵng. Trong đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của đề án và có lộ trình rõ ràng, trên cơ sở đó mới có thể đưa ra các cơ chế chính sách đi kèm để thu hút các chủ đầu tư du thuyền đến Đà Nẵng cũng như có phương án quảng bá rộng rãi loại hình này...

“Đà Nẵng sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư vào loại hình du thuyền”- ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng cho biết. Vì vậy, theo ông Sơn, đơn vị tư vấn cần khảo sát nhu cầu của du khách, người dân đối với ngành dịch vụ này để có các dự báo cụ thể, tránh lãng phí trong đầu tư cơ sở hạ tầng; phải có lộ trình, phân kỳ cụ thể và nên kêu gọi các nhà đầu tư công nghiệp, bất động sản trên địa bàn thành phố cùng tham gia vào đề án để có tính khả thi cao.

Bên cạnh đó, đề án cần đề cập kỹ hơn đến các mô hình ngành công nghiệp du thuyền, vì khi phát triển ngành này không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế, các chính sách, thủ tục xuất nhập cảnh phải thông thoáng cho các nhà đầu tư. “Phải tính toán chuyển hướng lấy ý kiến tham vấn thêm các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để tham khảo; từ các mô hình của quốc tế và các địa phương khác phải cập nhật, phân tích xem có phù hợp với Đà Nẵng hay không”- Ông Trần Phước Sơn nhấn mạnh.

Hà Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục