Thành ủy Đà Nẵng vừa thống nhất di dời 54 hộ dân khu vực phía tây di tích lịch sử quốc gia thành Điện Hải (quận Hải Châu, nơi đang đặt Bảo tàng Đà Nẵng) để trả lại nguyên trạng "thành cao, hào sâu" cho di tích.
Ngày 24/10, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo thành phố cũng quyết định dừng dự án xây Kho lưu trữ tại khu đất tiếp giáp phía bắc thành Điện Hải và phía tây tòa nhà Trung tâm hành chính (Trung tâm thể dục thể thao người cao tuổi cũ), để làm khu công viên văn hóa.
Theo ông Thiện, 54 hộ dân đã xâm hại di tích thành Điện Hải thời gian trước và sau năm 1975. Khu đất được thành phố quy hoạch làm Kho lưu trữ cũng chồng lấn lên hào rãnh và tường thành ngoài của di tích.
Nhiều nhà dân xây chồng lấn lên hào rãnh và tường thành ngoài của di tích thành Điện Hải. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Việc giải tỏa các hộ dân và dành một quỹ đất rộng hàng nghìn mét vuông làm công viên văn hóa sẽ tạo cảnh quan, điểm nhấn cho toàn bộ không gian thành Điện Hải, giúp nhiều người dân và du khách biết đến di tích này", ông Thiện nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã giao cho các ngành liên quan lên quy hoạch chi tiết khu công viên văn hóa, đồng thời đề xuất kinh phí xây dựng, giải tỏa các hộ dân để trình thành phố phê duyệt.
Thành Điện Hải là công trình phòng thủ thời phong kiến ở Việt Nam gần như còn nguyên vẹn. Nơi đây danh tướng Nguyễn Tri Phương đã chỉ huy binh lính chống lại thực dân Pháp vào năm 1858.
Thành được xây dựng lần đầu tiên dưới thời vua Gia Long (1813) ở ven sông Hàn với tên gọi đồn Điện Hải. 10 năm sau, vua Minh Mạng cho dời đồn vào bên trong đất liền và đến năm 1835 được đổi tên thành Điện Hải. Năm 1988, thành được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.