Đà Nẵng: Chuẩn bị chu đáo, không bị động, bất ngờ với dịch bệnh nCoV

Là thành phố du lịch luôn có lượng lớn du khách Trung Quốc đến nghỉ ngơi, tham quan, mua sắm và ăn uống, Đà Nẵng đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: "Số lượng du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng đã giảm, nhiều du khách hủy phòng tại các khách sạn..." Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: "Số lượng du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng đã giảm, nhiều du khách hủy phòng tại các khách sạn..."

Tiếp thu chỉ đạo của Ban Bí thư về phương châm chống dịch tại chỗ và Thủ tướng Chính phủ về “chống dịch như chống giặc”, tại cuộc họp triển khai các biện pháp với các sở, ngành liên quan chiều 31/1, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng quán triệt đến các đơn vị: “Bất kể ngày hay đêm, việc chung hay việc riêng, khi nào lãnh đạo thành phố triệu tập, đại diện các đơn vị phải có mặt để tác chiến với dịch bệnh, cứu người”.

Đà Nẵng: Chuẩn bị chu đáo, không bị động, bất ngờ với dịch bệnh nCoV ảnh 1

Đà Nẵng quyết tâm chuẩn bị chu đáo, đầy đủ phương tiện, thiết bị y tế phòng chống dịch corona nếu xảy ra trên địa bàn Thành phố

Chưa ghi nhận bệnh nhân nhiễm virus corona

Báo cáo về tình hình dịch bệnh corona tại Đà Nẵng, bác sỹ Ngô Thị Kiêm Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn TP. Đà Nẵng chưa phát hiện trường hợp bệnh nhân bị nhiễm chủng mới của virus Corona.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Y tế đã tham mưa, chủ trì với sự tham gia của các sở, ngành liên quan chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống, điều trị dịch bệnh corona với các kịch bản: chưa có dich, có dịch và dịch lan rộng.

Bên cạnh đó, đã khởi động quy trình xử lý dịch nhóm A với sự tham gia nhịp nhàng, chặt chẽ của Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Sản - Nhi... nên đã tầm soát thân nhiệt, tiếp nhận, lưu dung số lượng người nghi nhiễm tại các Bệnh viện để kịp thời cách ly, điều trị.

“Ngành y tế đã chủ động với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn tiếp nhận, điều trị và sử dụng trang thiết bị y tế, bảo hộ trong công tác phòng, chống dịch. Tại các cửa khẩu, giám sát toàn bộ khách xuất nhập cảnh đến từ 360 chuyến bay và tàu biển...”, bà Yến cho biết.

Cũng theo bà Yến, hiện Đà Nẵng đang theo dõi 21 trường hợp nghi ngờ bệnh do nCoV, bao gồm 5 trường hợp người nước ngoài (người Trung Quốc) đang được theo dõi tại Bệnh viện Đà Nẵng, 16 trường hợp người Việt Nam đang được theo dõi tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện sức khỏe của nhiều bệnh nhân đã ổn định, một vài trường hợp có sốt nhẹ.

Cộng dồn đến nay đã theo dõi 58 trường hợp tại bệnh viện, trong đó 37 trường hợp đã xuất viện: 17 trường hợp người nước ngoài (14 người Trung Quốc, 2 Malaysia, 1 người Cộng Hoà Séc) và 20 trường hợp người Việt Nam. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cũng tiếp tục giám sát hàng ngày 25 trường hợp tại cộng đồng có sốt nhẹ. Qua lấy 39 mẫu xét nghiệm, kết quả 32 mẫu âm tính.

“Như vậy, Đà Nẵng chưa phát hiện bệnh nhân bị nhiễm chủng virus corona”, bà Yến khẳng định.

Trưng dụng bệnh viện Lao-Phổi, thành lập nhiều bệnh viện dã chiến

Theo Sở  Y tế, do Bệnh viện Đà Nẵng đang quá tải nên Sở Y tế đề xuất sử dụng Bệnh viện Lao - Phổi Đà Nẵng công suất 100 giường (có thể nâng lên 140 giường bệnh) để tiếp nhận, lưu dung người nghi nhiễm.

“2 ngày nữa sẽ tiến hành tập huấn nghiệp vụ cho bác sỹ, y tá để tiếp nhận lưu dung bệnh nhân, chia sẻ với Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Sản - Nhi”, bà Yến nói.

Tiếp lời bà Yến, ông Huỳnh Đức Thơ thống nhất sử dụng Bệnh viện Lao - Phổi và cho rằng, bên cạnh sử dụng bệnh viện này, Đà Nẵng sẵn sàng thành lập các bệnh viện dã chiến để lưu dung bệnh nhân.

Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Đà Nẵng cũng cho biết, Quân Khu 5 đã thành lập 2 bệnh viện dã chiến tại Núi Thành (Quảng Nam) và Quy Nhơn (Bình Định), riêng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, đã bố trí 26 y, bác sỹ để hỗ trợ công tác phòng chống dịch và đề gửi modun bệnh viện cho Sở Xây dựng Đà Nẵng thẩm định thiết kế, kết cấu và bố trí vị trí xây dựng bệnh viện...

Về trang thiết bị hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, theo bác sĩ Yến, Sở Y tế đã đăng ký với nhà sản xuất đặt hàng 10.000 bộ bảo hộ để trang bị phòng chống dịch.

“Giá tăng từ 90.000 lên 160.000 đồng/bộ vì hiện các địa phương và các doanh nghiệp đều mua để phòng bệnh", bà Yến nói.

"Trao đổi với nhà sản xuất chặt chém vừa vừa thôi, vừa bán được hàng, vừa nâng giá cao, lại vin vào nguyên liệu đầu vào chứ có gì đâu”, ông Thơ cắt lời bà Yến.

Với việc mua sắm thiết bị mới, ông Thơ yêu cầu công tác thẩm định giá cần nhanh chóng, không được kéo dài.

Theo Sở Y tế, hiện tại, Đà Nẵng có Nhà máy sản xuất thiết bị Y tế Danameco, công suất theo chỉ đạo của Bộ Y tế 80.000 khẩu trang/ngày, đa số cung cấp cho Bộ để sử dụng phía Bắc. Về vấn đề này, ông Thơ cho rằng, Sở Y tế nên làm việc với đơn vị cung ứng xem có nâng công suất được không, giảm giá thành, chứ “nhà nghèo đâu thể ngày nào cũng đong gạo”.

Ngăn chặn du khách đến từ nước thứ 3

Điều đáng lo ngại theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (Sở Y tế Đà Nẵng) du khách Trung Quốc sẽ giảm và dừng đến Đà Nẵng khi ngừng cấp visa và các chặng bay từ Trung Quốc, tuy nhiên, các du khách lại đi qua nước thứ 3, kiểm soát đã phát hiện các hành khách đến từ Vũ Hán đến Việt Nam từ Campuchia.

Cũng tại cuộc họp, ông Thơ đặt câu hỏi đến các đơn vị về lượng du khách Trung Quốc còn lại tại Đà Nẵng là bao nhiêu? Đại diện Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, hiện có khoảng 6.000 người, giảm 50% so với trước đó.

Trong khi đó, đại diện Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết, tại sân bay Đà Nẵng, đối với các chuyến bay từ Trung Quốc đến Việt Nam hiện có 9 hãng và 23 đường bay, từ khi có dịch, lượng khách quốc tế giảm mạnh, trong đó khách Trung Quốc giảm 49,5%.

Theo thông báo từ các hãng, bắt đầu từ ngày 2/2, tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc - Đà Nẵng sẽ dừng khai thác.

“Các chuyến bay từ Trung Quốc đến Đà Nẵng đang còn khai thác được bố trí đỗ từ xa, không đi ống lồng, tổ chức khách làn đi riêng, tiến hành khử trùng, đảm bảo thường xuyên cách ly khi phát hiện khách có thân nhiệt cao”.

Sau khi ghi nhận các ý kiến từ các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, kinh phí dự kiến bố trí cho phòng chống dịch corona của Đà Nẵng đến hiện tại khoảng 20 tỷ đồng, nhưng mới là khâu chuẩn bị, nếu thực sự xảy ra dịch thì không bõ bèn gì. Vì vậy, ngành y tế phải đặt hàng gấp cho các đơn vị sản xuất để chủ động thiết bị, bảo hộ và không bị đẩy giá lên cao.

“Yêu cầu ngành y tế tham mưu chính, chủ trì các cơ quan ban ngành, thông qua Văn phòng UBND Thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết hơn nữa, theo cấp độ tăng dần và phải liên tục cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, tăng cường phương án. Giao Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Trung Chinh chịu trách nhiệm lập kế hoạch chi tiết, cố gắng trong hôm nay ngày mai sẽ ban hành. Hiện nay, tập trung công tác chuẩn bị, trong đó đặc biệt công tác tập huấn, truyền thông, hướng dẫn cho đội ngũ chuyên trách, cho cán bộ y tế cộng đồng để người dân hiểu biết, chủ động phòng tránh mới là quan trọng”, ông Thơ kết luận.

Hà Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục