Huyền thoại những cây cầu
Mỗi lần nhắc đến hai từ Đà Nẵng, dường như nhà nghiên cứu văn hóa Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng lại... run lên. Cái sự “run rẩy” đó theo ông là một niềm tự hào dù ở trong nước hay nước ngoài, khi nói về Đà Nẵng, ai cũng thể hiện một sự ngưỡng mộ nhất định.
Là một trong những người từng được chứng kiến những bước đi đầu tiên trong quá trình lột xác của Đà Nẵng - quá trình bước ra khỏi cuộc chiến tranh để đi lên và tỏa sáng, trong ký ức của ông, dấu ấn lịch sử trong hành trình tiến lên của thành phố này chính là những cây cầu “nối đôi bờ vui” của con sông Hàn thơ mộng.
Với cách nói chầm chậm như dòng chảy của sông Hàn, ông kể về những tháng ngày khó quên của thành phố biển. Trước khi và kể cả nhiều thập niên sau khi trở thành Tourane - thành phố nhượng địa, Đà Nẵng vẫn chưa có cây cầu nào bắc qua sông Hàn. Sự cách trở đã ngăn cản sự phát triển của Thành phố, bởi vậy, cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn được lịch sử ghi nhận chính là cầu De Lattre de Tassigny do người Pháp xây dựng đầu thập niên 50 của thế kỷ trước đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt quan trọng với nơi này. Sau này, cây cầu ấy được đổi tên thành cầu Trần Thị Lý.
Đến nay, cầu Trần Thị Lý đã được tháo dỡ toàn bộ để xây dựng mới một cây cầu dây văng hiện đại với tháp trụ nghiêng hình chữ Y ngược cao vút và vẫn tiếp tục được mang tên của Người con gái Việt Nam - cách nhà thơ Tố Hữu tôn vinh nữ anh hùng Trần Thị Lý.
Từ chỗ chỉ có một cây cầu bắc qua sông Hàn, thì nay, Đà Nẵng đã có 9 cây cầu như những cánh tay đem lại bộ mặt kinh tế, văn hóa, xã hội mà nó chạm đến, để vì vậy, Đà Nẵng xứng đáng được mệnh danh là Thành phố những cây cầu.
Chính những cây cầu ấy đã trở thành cảm hứng cho chủ đề của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018, với tên gọi “Huyền thoại những cây cầu”.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhìn nhận, chính nhờ sự đột phá hạ tầng, mà Đà Nẵng đã giải phóng ra một lượng đất đai rất lớn để phát triển không gian đô thị và tạo ra những tiền đề phát triển trong tương lai. Thật vậy, nếu toàn bộ các tuyến ven biển không được gắn với chủ trương đầu tư hạ tầng, thì hôm nay, Đà Nẵng không thể có hàng loạt khách sạn 4 sao, 5 sao và những khu resort đạt tiêu chuẩn quốc tế dọc theo những bãi biển đẹp đến mơ màng.
Sức bật từ nguồn ODA
Để có được những con đường nối những cây cầu đưa Đà Nẵng thành trung tâm, đầu tàu của miền Trung như hôm nay, bên cạnh sự đóng góp sức người, sức của từ người dân, chiến lược đổi đất lấy hạ tầng thành công của Đà Nẵng, sự đồng lòng của những người con sinh sống trên mảnh đất này với cách làm của lãnh đạo thành phố, không thể không nhắc đến vai trò từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ các quốc gia và các định chế tài chính quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã từng thừa nhận rằng, qua lăng kính các nhà đầu tư, du khách và người dân, hạ tầng Đà Nẵng có được như hôm nay là những nỗ lực huy động có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, các nguồn đóng góp của doanh nghiệp, nguồn vốn khác và đặc biệt nguồn ODA. Theo thống kê, tính đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận 31 dự án ODA với tổng vốn 426 triệu USD.
Bộ mặt đô thị của Thành phố thông qua việc cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại các khu vực ô nhiễm liên quan đến vấn đề nước thải, thoát nước mưa; nâng cấp, xây dựng đường sá, cầu cống, các công trình giao thông trọng điểm, nổi bật như: Cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, cầu Cổ Cò, đường Vanh đai phía Nam; cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng cho cộng đồng dân cư nghèo với việc nâng cấp hàng loạt các khu thu nhập thấp; mở rộng hệ thống cấp nước, xử lý nước thải sông Phú Lộc, Khu Công nghệ cao, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nhóm các công trình phục vụ APEC...
Đặc biệt, nhờ có nguồn ODA, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện được một công trình thế kỷ khai thông huyết mạch quốc gia, đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - Dự án hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn I được khánh thành năm 2005. Hiện nay, giai đoạn II mở rộng dự án thành hai ống hầm đang được Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2020.
Để phát triển hạ tầng, ông Đào Việt Dũng chuyên gia cao cấp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, Đà Nẵng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển các dự án phát triển hạ tầng bằng việc công khai các dự án, tạo lập môi trường luật minh bạch và công bằng.
Còn bà Madhu Reghunath, Điều phối Chương trình phát triển bền vững Ngân hàng Thế giới (WB) thì khẳng định, ngoài việc huy động có hiệu quả các nguồn tài trợ, viện trợ từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, Đà Nẵng cần mở cửa cho khu vực tư nhân tham gia các dự án kết cấu hạ tầng, nhưng không được đẩy rủi ro về phía họ.
Trong khi đó, người từng ở cương vị đứng đầu ngành giao thông Việt Nam, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa còn khẳng định mạnh mẽ hơn: “Phát triển hạ tầng là yếu tố sống còn của Đà Nẵng”.
Dự án hạ tầng tiêu biểu
1/ Hầm đường bộ Hải Vân, chiều dài hơn 6 km nối Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế. Dự án có vốn đầu tư gần 128 triệu USD, từ nguồn JIBIC. Giai đoạn II
mở rộng do Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư có số vốn hơn 7.200 tỷ đồng.
2/ Ga Đà Nẵng, một trong 3 ga tàu lửa lớn của cả nước, nằm trong trung tâm TP. Đà Nẵng.
3/ Cảng Tiên Sa, cảng biển nước sâu, đầu mối quan trọng của Đà Nẵng xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển ra thế giới.
4/ Cầu Thuận Phước, cầu dây võng dài nhất Việt Nam.
5/ Cầu quay sông Hàn, biểu tượng của Đà Nẵng sau 21 năm tái lập tỉnh.
6/ Cầu Trần Thị Lý, cầu được bình chọn công trình thẩm mỹ cấp quốc tế.
7/ Đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa.
8/ Đường ven biển Nguyễn Tất Thành dài hơn 17 km.
Danh mục dự án kêu gọi đầu tư dự án trọng điểm
Cảng Liên Chiểu vốn đầu tư 65 triệu USD, đáp ứng tàu vận chuyển hàng có trọng tải 50.000 DWT.
Dự án di dời ga đường sắt và phát triển nhà ga mới tại quận Liên Chiểu dự kiến sẽ cần số vốn lên đến hơn 640 triệu USD.
Dự án Khu phức hợp xử lý chất thải rắn Hòa Nhơn, công suất 1.500 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư 97 triệu USD.