Ngày 11/12, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, Sở Công Thương TP.Đà Nẵng cho biết, Thành phố vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Theo tờ trình này, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ được chia làm 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1, đến năm 2029 sẽ tập trung kiện toàn bộ máy quản lý và hoàn thiện quy chế hoạt động của Khu thương mại tự do Đà Nẵng trong năm 2025; Xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách ưu đãi để đảm bảo việc quản lý, vận hành đồng bộ, công khai, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính …
Trong giai đoạn, sẽ xây dựng mới Khu bến Liên Chiểu và các khu hậu cần cảng đảm bảo tiếp nhận tàu 100.000 tấn hoặc lớn hơn. Hoàn thành việc giải phóng mặt bằng cho toàn bộ các vị trí (trừ vị trí lần biển), trong đó hoàn thành trước cuối năm 2026 đối với vị trí 3, 4A, 5, 6, 7 và 9; trước cuối năm 2027 đối với vị trí 1, 2, 4B, 8.
|
Thành phố vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. |
Ngoài ra, lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược để đầu tư hạ tầng các khu chức năng tại vị trí 3, 4, 5, 6, 7 và 9 trước cuối năm 2026; hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các khu chức năng tại vị trí 3, 4A, 5, 6, 7 và 9 trước năm 2028.
Bên cạnh đó, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để đầu tư hạ tầng các khu chức năng tại vị trí 1, 2 và 8 trước cuối năm 2027, có thể cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu trước cuối năm 2029; hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các khu chức năng tại các vị trí 1, 2, 4B, 8 sau năm 2029.
Cuối cùng là tiếp tục nghiên cứu, đánh giá chi tiết về khu vực lấn biển để xác định, làm rõ ranh giới và định hướng chức năng.
Đối với giai đoạn 2, triển khai sau năm 2029, định hướng mở rộng khu thương mại tự do tại các khu vực cảng Tiên Sa (sau khi chuyển đổi công năng), khu vực tái thiết đô thị tại nhà ga đường sắt trong trung tâm thành phố...
Đặc biệt, đối với nhu cầu vốn, thành phố Đà Nẵng cũng dự kiến chia làm 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 là đến cuối năm 2029, khái toán tổng mức đầu tư bên trong khu Thương mại tự do khoảng 35.887 tỷ đồng.
Bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 20.755 tỷ đồng (chiếm 58% tổng vốn) và chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 15.132 tỷ đồng (chiếm 42% tổng vốn). Trong đó, nhà đầu tư chiến lược sẽ chịu trách nhiệm triển khai, đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 136.
Đối với chi phí giải phóng mặt bằng, theo Nghị định số 103/2024/NĐ-CP, nhà đầu tư có thể ứng trước khoản chi này và sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hoặc tính vào vốn đầu tư dự án tùy từng trường hợp.
Vì vậy, cơ cấu nguồn vốn giai đoạn này sẽ được lấy từ nguồn vốn tư nhân, dự kiến hạn chế tối đa việc làm tăng áp lực lên ngân sách nhà nước.
Giai đoạn 2 sẽ thực hiện sau năm 2029, chủ yếu tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng với vốn ngoài ngân sách nhà nước, ước tính trên 4.324 tỷ đồng.
Về phương thức huy động vốn triển khai, nhà nước sẽ cân đối phân bổ ngân sách cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đến ranh giới Khu Thương mại tự do chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng hoặc khấu trừ tiền thuê đất trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng.
Nhà đầu tư chiến lược sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng bên trong Khu thương mại tự do như xây dựng đường sá, hệ thống cấp thoát nước, điện lực và các cơ sở hạ tầng dùng chung khác.
Ngoài ra, khai thác triệt để các ưu đãi dành cho nhà đầu tư chiến lược trong Nghị quyết 136, đồng thời đề xuất các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ chi phí, chia sẻ rủi ro để thu hút tối đa nguồn lực từ tư nhân.