Với hướng dẫn này, hành lang pháp lý sẽ chặt chẽ hơn, việc giám sát thị trường cũng sẽ được tăng cường và tính “răn đe” vì thế cũng lớn hơn, nhất là với những hành vi vi phạm phổ biến nhất hiện nay như vi phạm về chào bán chứng khoán và thao túng giá chứng khoán.
Đối với hành vi vi phạm về chào bán chứng khoán ra công chúng, được xem là một trong những vi phạm khá phổ biến trong thời gian qua, được Thông tư 37/2011/TT-BTC quy định rõ hơn. Hành vi "sử dụng thông tin ngoài bản cáo bạch để thăm dò thị trường" được hiểu là việc sử dụng những thông tin không có hoặc không chính xác với nội dung tại bản cáo bạch trong hồ sơ đăng ký để thăm dò thị trường trước khi được phép thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng.
Riêng đối với trường hợp vi phạm của cá nhân, tổ chức thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng trong khi Ủy ban Chứng khoán đang xem xét hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức đó cũng sẽ bị phạt tiền từ một đến năm lần khoản thu trái pháp luật với mức phạt được tính trên cơ sở khoản thu trái pháp luật từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Tổ chức phát hành, bảo lãnh, tư vấn phát hành; tổ chức, cá nhân xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có thông tin sai lệch hoặc không sửa đổi, bổ sung hồ sơ khi phát hiện thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ sẽ bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng.
Hành vi cố ý che giấu nội dung liên quan đế hồ sơ chào bán chứng khoán sẽ bị phạt từ 150 - 200 triệu đồng (áp dụng đối với tổ chức phát hành, bảo lãnh, tư vấn phát hành; tổ chức, cá nhân xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra có thông tin cố ý làm sai sự thật hoặc che giấu sự thật). Mức phạt tiền từ 1% - 5% tổng số tiền đã huy động được áp dụng đối với hành vi tạo dựng hoặc xác nhận tài liệu giả mạo để đăng ký chào bán chứng khoán.
Cũng trong Thông tư 37/2011/TT-BTC, vi phạm về giao dịch nội bộ và thao túng giá chứng khoán có mức phạt từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng, được quy định rõ là các hành vi sau:
- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
- Một người hay một nhóm người thông đồng với nhau đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá, cung cầu giả tạo;
- Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
- Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán.
Thậm chí, là việc đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Ngoài hình thức xử phạt chính bằng tiền, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán còn bị tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật. Trường hợp một người dùng nhiều tài khoản để giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán thì khoản thu trái pháp luật được tính trên tổng các tài khoản được sử dụng để giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán.
Trường hợp một nhóm người thông đồng, cấu kết giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán thì khoản thu trái pháp luật được tính trên từng tài khoản được sử dụng để giao dịch nội bộ hoặc thao túng giá chứng khoán.