Cuối tuần qua, khi yêu cầu chủ đầu tư Dự án Chung cư Đại Thanh xuất hoá đơn và giảm 50% thuế VAT theo Thông tư 141/2013/ TT - BTC ngày 16/10/2013 (hướng dẫn thi hành Nghị định 92/2013/NĐ - CP của Chính phủ về thuế VAT), hàng chục khách hàng đã bị một nhóm bảo vệ tại Sàn giao dịch BĐS Mường Thanh xô đẩy, có người bị thương chảy máu.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên có sự va chạm giữa người mua nhà với Sàn giao dịch BĐS này, khi đây là nơi tập trung đội ngũ “cò” BĐS đông đảo bậc nhất ở Hà Nội. Nhiều người mua nhà ở Dự án Chung cư Đại Thanh hoặc một số dự án khác do Công ty Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư thường phải mất từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng qua tay đội ngũ môi giới này.
Trước đó, tại một số dự án nhà ở tại Hà Nội do Công ty cổ phần Tập đoàn Vina Megastar làm chủ đầu tư, Sàn giao dịch BĐS Hạ Long (của Công ty cổ phần Đầu tư, Phát triển và Thương mại Hạ Long) cũng đứng ra huy động hàng trăm tỷ đồng của khách mua nhà để góp vốn vào dự án, sau đó tự đứng ra kinh doanh như một chủ đầu tư thứ cấp. Tiếp đó, sàn này đã huy động của khách hàng khoảng 200 tỷ đồng, song đến nay không có khả năng thanh toán.
Ngoài Sàn giao dịch BĐS Hạ Long, tham gia góp vốn đầu tư vào một trong số các dự án BĐS của Công ty Vina Megastar còn có Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR). PVR dự kiến bán lại qua hệ thống sàn giao dịch BĐS của mình để hưởng lợi nhuận riêng.
Theo những tài liệu mà Báo Đầu tư có được, PVR đặt ra kế hoạch góp vốn cùng chủ đầu tư xây dựng Dự án Megastar Dominium Vĩnh Hưng tại số 409 - Lĩnh Nam, cụ thể là góp vốn xây dựng khối chung cư 35 tầng. Đổi lại, PVR sẽ được nhận sản phẩm tương ứng phần vốn góp là 15 sàn chung cư có diện tích là 36.000 m2 (tương đương khoảng 360 căn hộ, phân bố từ tầng 7 đến tầng 30). Sau đó, PVR sẽ tự kinh doanh sản phẩm qua sàn giao dịch BĐS của mình, hưởng toàn bộ lợi nhuận thu được. PVR dự kiến đầu tư 579 tỷ đồng vào dự án này.
Nhiều sàn giao dịch bất động sản có những sai phạm nghiêm trọng mang tính hệ thống
Với thực tế diễn biến tại các dự án BĐS thời gian qua, sự đổ bể của một số dự án và thiệt hại của khách mua nhà phải kể đến sự tiếp tay rất lớn của một số sàn giao dịch BĐS. Thay vì đứng ra kiểm soát tiến độ thực hiện dự án và làm cầu nối giữa chủ đầu tư và khách mua nhà, một số sàn giao dịch BĐS lại tiếp tay cho chủ đầu tư huy động vốn của khách mua nhà một cách vô tội vạ dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Trường hợp gần đây nhất là vụ gần 100 khách mua nhà tập hợp tại Sàn giao dịch BĐS của Công ty BĐS Thế Kỷ (Cen Group) tại số 137 - Nguyễn Ngọc Vũ, quận Cầu Giấy (Hà Nội) để đòi tiền góp vốn vào Dự án Chung cư Binh đoàn 12 tại thôn Ngọc Đại, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Vụ việc sau đó được lý giải là khách hàng “bao vây nhầm” chủ đầu tư, khi đơn vị đứng ra huy động vốn vào dự án này là Công ty TNHH Quản lý BĐS Thế Kỷ - doanh nghiệp có tên gần giống với Cen Group. Đến nay, câu chuyện vẫn là một vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát.
Cụ thể, theo các hợp đồng vay vốn của Công ty TNHH Quản lý BĐS Thế Kỷ do bà Trần Thị Thanh Bình làm Giám đốc, đơn vị này đã huy động tiền từ các khách hàng cá nhân để góp vốn vào Dự án Chung cư Binh đoàn 12 do Công ty cổ phần Kiến trúc đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư.
Số tiền mà Công ty TNHH Quản lý BĐS Thế Kỷ huy động để góp vào dự án của Công ty cổ phần Kiến trúc đô thị Nam Thăng Long lên đến nhiều chục tỷ đồng. Đến nay, dự án không được triển khai theo đúng cam kết, Công ty cổ phần Kiến trúc đô thị Nam Thăng Long cũng không hoàn trả lại được số tiền đã vay của Công ty TNHH Quản lý BĐS Thế Kỷ và các khách hàng cá nhân có nguy cơ mất trắng số tiền góp vốn mua nhà này.
Vậy là, từ chỗ được kỳ vọng sẽ giúp thị trường BĐS trở nên minh bạch hơn, tránh đi sự lũng đoạn của chủ đầu tư đối với các dự án BĐS (theo Luật Kinh doanh BĐS 2006), sàn giao dịch lại trở thành đối tượng đầu tư thứ cấp, làm hàng, ép giá, huy động vốn của người mua nhà một cách vô tội vạ dẫn đến mất khả năng thanh toán. Đó cũng chính là lý do khiến dư luận đặt dấu hỏi về sự tồn tại cần thiết của loại hình kinh doanh đặc biệt này.
Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS 2006 (sửa đổi) Dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2014: “Nhà nước khuyến khích (không bắt buộc - PV) mọi tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS để bảo đảm công khai, minh bạch và quyền lợi của các bên.
Sàn giao dịch BĐS không được tham gia đầu tư, mua bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS, mà chỉ được làm trung gian để thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS theo uỷ quyền của chủ đầu tư và hưởng phí giao dịch qua sàn theo quy định của pháp luật”.
(Khoản 4, Điều 23 và Khoản 6, Điều 67) |
>> Sàn giao dịch bất động sản sắp hết thời?
>> Sàn giao dịch BĐS, sớm nở tối tàn