Khi nền kinh tế quay lại với trạng thái bình thường mới và chấp nhận sống chung với dịch Covid-19, việc tinh chỉnh hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) để có thể áp dụng lô 10 đang được tính toán trở lại.
Cuối tuần qua, Bộ Tài chính đã có cuộc làm việc với Công ty cổ phần FPT và Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico, tổng kết về xử lý sự cố nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch HOSE trước đây.
Với sự nỗ lực của FPT cùng nhiều chuyên gia công nghệ, sự hợp tác của HOSE, các công ty chứng khoán thành viên và các đơn vị liên quan, sau 3 tháng đưa vào vận hành, hệ thống đã hoạt động thông suốt, an toàn, có thể xử lý từ 3 - 5 triệu lệnh/ngày, gấp 3 - 5 lần hệ thống cũ.
Hệ thống mới có khả năng đáp ứng nhu cầu của HOSE và thị trường ít nhất từ 3 - 5 năm tới, đồng thời giúp Sở giao dịch làm chủ về công nghệ trong tương lai, không còn phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài.
Tính đến ngày 14/10/2021, số lượng lệnh và giá trị giao dịch trung bình ngày lần lượt là 927.759 lệnh và 21.571 tỷ đồng, bằng 116,6% và 98,6% so với trung bình ngày của 3 tháng trước ngày áp dụng giải pháp. Đáng chú ý, có 45/72 phiên giao dịch có lượng lệnh vượt giới hạn 900.000 lệnh của hệ thống cũ.
Ở dự án này, Sovico đóng góp nguồn lực tài chính, FPT thực hiện các giải pháp kỹ thuật chuyên môn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nếu dùng cơ chế tài chính công, tức Bộ lập dự án và xin ngân sách thì không biết bao giờ sự cố mới xử lý xong.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dự án nâng cấp hệ thống giao dịch mở ra hướng đi đáng quan tâm trong lĩnh vực chứng khoán. Nếu biết khai thác tiềm năng, tận dụng thế mạnh để có cơ chế phối hợp công - tư thì có thể giải quyết được nhiều bài toán lớn.
Ông Dũng cho hay, ngành chứng khoán hiện cần giải pháp tổng thể về giao dịch thanh toán, một cơ sở dữ liệu tập trung để theo dõi, giám sát quản lý giao dịch của các nhà đầu tư, công bố thông tin của doanh nghiệp, dữ liệu của các thành viên thị trường. Nếu chỉ có nhân sự công nghệ trong ngành tự làm thì sẽ khó khả thi, mà cần các đơn vị chuyên môn, chuyên nghiệp hỗ trợ.
“Tới đây, lĩnh vực công nghệ với thị trường chứng khoán rất quan trọng. Chúng ta sẽ cố gắng xây dựng hệ thống một cách tổng thể, không lẻ tẻ”, ông Dũng chia sẻ.
Thị trường đang kỳ vọng hệ thống giao dịch chứng khoán mới của Hàn Quốc (KRX) sẽ sớm được đưa vào hoạt động, làm cơ sở cho các sản phẩm mới trên thị trường liên quan đến các sản phẩm mới, phương thức giao dịch của nhà đầu tư.
Việc vận hành thử nghiệm hệ thống KRX, theo thông tin từ cơ quan quản lý ngành, đòi hỏi phải có mặt của các chuyên gia nước ngoài. Do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên tiến trình này có thể sẽ chậm hơn nhiều so với kế hoạch.
Vấn đề được không ít nhà đầu tư quan tâm là lô giao dịch 10 cổ phiếu trên HOSE bao giờ được áp dụng trở lại.
Theo quan điểm của cơ quan quản lý, khi tình trạng bình thường mới đã được thiết lập, chủ trương sống chung với dịch Covid-19 của Chính phủ đang dần đi vào cuộc sống, có thể tính đến việc triển khai lô 10.
Hiện tại, hệ thống giao dịch trên HOSE sử dụng bản quyền của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đồng thời do yêu cầu thời gian gấp (chiến dịch 100 ngày - PV), nên phần lớn giữ nguyên các tính năng của hệ thống, trong đó có cả lô 100 như đang áp dụng trên HNX.
Muốn chuyển sang lô 10 cần phải có các nghiên cứu đánh giá lại hệ thống, đặc biệt cần các chuyên gia công nghệ của FPT phát triển hệ thống di chuyển từ miền Bắc vào TP.HCM.
“Chúng tôi sẽ xem xét đưa vấn đề lô 10 vào việc tinh chỉnh, xây dựng hệ thống giao dịch dự phòng cho HOSE, trong đó có thể giải quyết tổng thể nhiều bài toán khác. Riêng việc chuyển lô 10, có thể cần khoảng 1 - 2 tháng để tinh chỉnh hệ thống”, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.