Đã đến lúc suy nghĩ về bảo hiểm gián đoạn kinh doanh

(ĐTCK) Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm thiệt hại kinh doanh toàn thị trường năm 2013 đạt 110 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2012. Ba tháng đầu năm 2014, nghiệp vụ này đem lại 33 tỷ đồng doanh thu, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, nghiệp vụ bảo hiểm này vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu doanh thu bảo hiểm.
Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh là “của để dành” cho các DN trước những bất trắc Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh là “của để dành” cho các DN trước những bất trắc

Tìm hiểu của ĐTCK sau vụ thiệt hại của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai vừa qua thì thấy, số doanh nghiệp tham gia bảo hiểm gián đoạn kinh doanh rất ít. Nếu thực tế diễn biến ngược lại, tức là các doanh nghiệp có ý thức tham gia nghiệp vụ này hơn thì số tiền chi trả bồi thường của các công ty bảo hiểm sẽ lớn hơn con số trên 2.000 tỷ đồng. Sau vụ việc này, cũng có không ít doanh nghiệp chịu thiệt hại hối tiếc vì đã không mua bảo hiểm gián đoạn kinh doanh. Cuộc sống luôn tiềm ẩn những bất trắc và việc mua bảo hiểm chính là “của để dành” cho những tình huống như vậy.

Trên thực tế, có rất nhiều tình huống khiến một doanh nghiệp phải gián đoạn quá trình kinh doanh của mình, chứ không chỉ có những sự cố đáng tiếc như vừa qua tại các khu công nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai, như thiên tai, hỏa hoạn... Thiên tai là điều khó dự báo và cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều khiến việc kinh doanh của các doanh nghiệp bị gián đoạn.

Năm 2013, đã có 16 cơn bão liên tiếp đổ vào Việt Nam và cũng là năm tình hình cháy nổ gia tăng, trong đó có vụ cháy lớn tại Trung tâm thương mại Hải Dương, rồi tai nạn giao thông… Tất cả những vấn đề này đều có thể ảnh hưởng và làm gián đoạn quá trình kinh doanh của bất kể doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, theo giám đốc maketing của một doanh nghiệp bảo hiểm, ở Việt Nam hiện chỉ có các doanh nghiệp sản xuất lớn mới quan tâm đến loại hình bảo hiểm này.

Thực tế, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh cũng không phải là một sản phẩm bảo hiểm “đại trà”. Để tránh tình trạng trục lợi xảy ra, cơ quan chức năng cũng có quy định, chỉ những doanh nghiệp có lãi trong một thời gian nhất định, chẳng hạn 3 năm liên tục mới có thể mua sản phẩm này.

“Phí không phải là trở ngại chính khiến doanh nghiệp sản xuất không muốn mua sản phẩm, mà chủ yếu vẫn là ý thức đánh giá rủi ro của người đứng đầu doanh nghiệp”, vị giám đốc maketing nêu trên nói.

Theo các chuyên gia trong ngành, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh là loại bảo hiểm gắn liền với bảo hiểm thiệt hại vật chất như bảo hiểm cháy nổ và các rủi ro khác, vì vậy, loại hình bảo hiểm này và bảo hiểm thiệt hại vật chất thường được thu xếp với cùng một công ty bảo hiểm. Bảo hiểm thiệt hại vật chất là tiền đề của bảo hiểm gián đoạn kinh doanh. Vì vậy, khiếu nại đòi bồi thường theo đơn bảo hiểm gián đoạn kinh doanh chỉ được xem xét khi khiếu nại đòi bồi thường thuộc đơn bảo hiểm thiệt hại vật chất được chấp nhận.

Được biết, trên thị trường bảo hiểm hiện nay, hầu hết các công ty bảo hiểm đều đã triển khai bán sản phẩm bảo hiểm này, nhưng cách thiết kế trong sản phẩm cũng có sự khác nhau giữa các công ty. Chẳng hạn, Liberty thiết kế sản phẩm này trong bảo hiểm năng động - một sản phẩm bảo hiểm trọn gói dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực văn phòng, phòng khám, bán lẻ, khách sạn, dịch vụ ăn uống và sản xuất. 

Nhưng cũng có công ty bảo hiểm thiết kế riêng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh và vì vậy, việc trình bày về sản phẩm bảo hiểm này có hấp dẫn doanh nghiệp sản xuất hay không phụ thuộc vào trình độ của nhân viên kinh doanh. Tuy nhiên, để bán được sản phẩm, phần lớn vẫn phụ thuộc vào ý thức phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp.     

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục