Lãnh đạo một ngân hàng thương mại nói rằng: "Đã đến lúc phải tính cả rủi ro chính sách bên cạnh hàng loạt rủi ro thị trường trong hoạt động ngân hàng". Nhận định trên được coi như một sự "ca thán" từ phía các ngân hàng thương mại, nhưng ở phía ngược lại, NHNN đang muốn các ngân hàng thực hiện được điều này.
Ý kiến của các ngân hàng thương mại trong cuộc họp vừa qua do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức cho thấy, việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi (từ 5% lên 10%) sẽ làm chi phí hoạt động của ngân hàng tăng lên rất cao. Điều này buộc các ngân hàng phải thay đổi chính sách lãi suất của mình, nếu không sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng.
Đối với ngân hàng lớn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thì thu nhập sẽ giảm khoảng 300 tỷ đồng/năm, con số này cũng sẽ xảy ra với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), bởi lẽ những ngân hàng này sẽ phải tăng thêm dự trữ khoảng 3.000 tỷ đồng/năm tại NHNN mà chỉ được hưởng lãi suất 0,1%/năm trong khi vẫn phải trả lãi cao cho người gửi tiền... Những ngân hàng cổ phần nhỏ hơn dù không đưa ra con số nhưng mức chi phí tăng thêm cũng phải theo một tỷ lệ tương tự.
Trong kinh doanh, không lãnh đạo doanh nghiệp nào muốn lợi nhuận của mình bị giảm đi bằng những con số không hề nhỏ đó. Ông Nguyễn Khắc Thân, Phó tổng giám đốc BIDV cho rằng, khi điều chỉnh chính sách liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng thương mại, nhạy cảm với nhu cầu của nền kinh tế thì cần phải có sự cân nhắc, khảo sát kỹ lưỡng. Việc cùng một lúc quyết định tăng dự trữ bắt buộc lên gấp đôi và giới hạn tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán là rất căng thẳng, cần phải tính toán một lộ trình thích hợp.
Đó là mong muốn từ phía ngân hàng thương mại, nhưng trao đổi với ĐTCK-online, một quan chức NHNN cho rằng, cơ chế ban hành chính sách trước đây thường cân nhắc nhiều về sự tác động tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại, nhưng với điều kiện kinh tế đã khác rất nhiều như hiện nay, các chính sách vĩ mô của NHNN phải hướng tới sự ổn định nền kinh tế vĩ mô nói chung, mà trong trường hợp vừa qua là nâng dự trữ bắt buộc nhằm kiểm soát lạm phát và kiềm chế tốc độ tín dụng tăng trưởng cao (tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước). "NHNN hướng tới sự điều chỉnh kinh tế vĩ mô để tạo lập môi trường kinh doanh ổn định, cũng chính là tạo môi trường tốt cho các ngân hàng hoạt động về lâu dài, chứ không thể chỉ nhìn vào lợi nhuận ngắn hạn của các ngân hàng khi ban hành chính sách. Các ngân hàng thương mại phải "quen dần" với điều này", vị quan chức này nhấn mạnh.
Theo hướng tiếp cận này, vị quan chức trên của NHNN cho rằng, các ngân hàng phải thiết lập được bộ phận dự báo chính sách đủ mạnh. Với điều kiện thị trường 6 tháng đầu năm, vốn khả dụng dư thừa, tốc độ tăng trưởng tín dụng của cả thị trường vượt nhiều so với mục tiêu đề ra, lạm phát tăng cao… là những điều mà các ngân hàng có thể trông thấy được. Với điều kiện đó thì rất dễ đưa đến một kết luận rằng, NHNN sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. "Các ngân hàng phải tính tới phương án đó để có kế hoạch dự phòng trước, hạn chế mức độ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, còn NHNN quản lý vĩ mô phải theo tín hiệu thị trường và mục tiêu đề ra về ổn định giá trị đồng tiền, từ đó ban hành chính sách chứ không thể thăm dò ý kiến các ngân hàng thương mại hay đưa ra lộ trình tăng dự trữ bắt buộc được", vị quan chức này nói.
Một ví dụ đã được đưa ra, đó là tại Mỹ, trước các cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (FED) là lúc các nhà phân tích liên tiếp đưa ra dự báo về khả năng tăng, giữ nguyên hay giảm lãi suất. Đây là dự báo của các nhà nghiên cứu có tính tin cậy cao để doanh nghiệp, ngân hàng tính tới phương án về một sự thay đổi có thể xảy ra, dự báo đó thường là đúng nhưng cũng có thể sai. Vấn đề ở chỗ, FED đưa ra quyết định dựa trên các điều kiện của nền kinh tế vĩ mô, chứ không hề có thăm dò ý kiến xem quyết định của mình liệu có khiến một ngân hàng thua lỗ hay phá sản hay không.