Đã đến lúc ngân hàng nên hạ lãi suất cho vay

Đã đến lúc NH thực hiện các giải pháp hạ LS cho vay để chia sẻ một phần khó khăn với khách hàng, giúp các DN tiếp cận được nguồn vốn với chi phí thấp hơn.
Ngân hàng và DN tìm cách bắt tay nhau trong hoàn cảnh khó khăn về vốn. Ảnh minh họa Ngân hàng và DN tìm cách bắt tay nhau trong hoàn cảnh khó khăn về vốn. Ảnh minh họa

Đến cuối tuần qua (15/8), hầu hết các mức LS tiền gửi các kỳ hạn của NH đã giảm, nhưng LS cho vay VND (áp dụng cho cả ngắn hạn, trung và dài hạn) nhìn chung vẫn chưa giảm hoặc nếu có thì ở mức giảm rất nhẹ. LS cho vay phổ biến của Ngân hàng Thương mại (NHTM) Nhà nước là 20,5%/năm, mức thấp nhất là 19,5%-19,8%/năm, cao nhất là 21%/năm.

 

Mặt bằng LS phổ biến của các NHTM CP vẫn là 21%/năm. Các NH đều ý thức LS cho vay cao đang khiến nhiều DN khó khăn hơn trong hoạt động SXKD, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ NH. Giám đốc một chi nhánh NH Công Thương nói: “LS cao quá, DN không chịu nổi chi phí trả lãi ngân hàng, nếu để tình hình này kéo dài thì có nguy cơ  DN mất khả năng trả nợ, kinh tế đi xuống, thiểu phát xuất hiện, hậu quả NH sẽ phải trả giá vì nợ xấu tăng cao. Đây là một vòng xoáy mà người chịu hậu quả cuối cùng sẽ  là NH”.

 

Cả NH và khách hàng không ai muốn LS cao như hiện nay, nhưng vì sao LS cho vay chưa hạ?

   

Ngân hàng càng cho vay càng lỗ?

Nếu như DN đang than thở là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mà giá bán không thể tăng tương ứng thì NH cũng vậy. Theo nhiều NH, hiện khoảng 60%-70% nguồn vốn huy động của các NH có kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống. Mức LS bình quân của loại tiền gửi này ở các NHTM NN khoảng  17,5%/năm, của các NHTM CP khoảng 18%/năm. Với chi phí LS đầu vào như vậy, cộng với các chi phí (dự trữ bắt buộc, quản lý, bảo hiểm, dự phòng rủi ro…),  LS cho vay ở mức trần 21%/năm thì NH gần như hòa vốn.

 

Ngoài việc cho vay không có lợi nhuận, các NH còn rất e ngại khả năng trả nợ của khách hàng. Giá nguyên vật liệu tăng cao trong 6 tháng đầu năm, cộng thêm sức tiêu dùng của người dân giảm sút đã khiến tình hình SXKD của các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ  càng thêm khó khăn.

   

Có hai cách ứng xử của DN đối với LS cho vay hiện nay. Những DN có tình hình tài chính, quản trị tốt thì cố gắng giảm vay NH và tự lo vốn bằng mọi biện pháp, trong đó có cả việc cắt giảm các dự án chưa cần thiết, giảm chi phí nhân công, chi phí quản lý...Nhưng nhiều DN trong tình trạng khó khăn, bế tắc lại sẵn sàng vay NH với mức LS cao, kể cả hơn 21%.

 

Một số lãnh đạo NHTM than thở: “DN làm ăn tốt ngân hàng muốn cho vay thì họ lại hạn chế vay, những khách hàng không đủ tín nhiệm thì lại xin vay bằng mọi giá”.

Tổng giám đốc một NHTMCP nói: “NH đang phải đối mặt với tình trạng nợ quá hạn gia tăng vì khách hàng hoặc không có khả năng trả nợ hoặc có tiền cũng không muốn trả vì mức LS vay cũ chỉ tối đa 12%/năm, nếu bị phạt nợ quá hạn vẫn thấp hơn LS vay mới hiện nay. Bên cạnh đó, trả nợ xong lại khó vay vốn trở lại. Nếu NH phát mại tài sản bảo đảm cũng rất khó khăn, có khi phải 6 tháng mới xử lý được”.

 

Trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, DN và hoạt động NH những tháng đầu năm, phần lớn các HĐQT các NHTMCP  xác định mục tiêu an toàn, bảo toàn nguồn vốn được đặt lên đầu tiên trong năm 2008. Vì vậy, những tháng gần đây, không cần NHNN nhắc nhở về hạn mức tăng tín dụng 30%, NH nào cũng chỉ tập trung  vào việc thu hồi nợ hơn là hoạt động  cho vay.

 

Bên cạnh đó, các NH còn đang phảit đối mặt với hiện trạng tốc độ tăng nguồn vốn huy động  thấp hơn nhiều so tốc độ tăng dư nợ cho vay. Tại Hà Nội, đến cuối tháng 7/2008, nguồn vốn huy động (VND&ngoại tệ) chỉ tăng 0,76%, trong khi dư nợ tăng 19,5% so cuối năm 2007. Riêng nguồn vốn VND cùng thời điểm giảm 8% trong khi dư nợ VND tăng 13,7%.

 

Nguồn vốn huy động được, các NH chủ yếu cho vay các khách hàng truyền thống (quan hệ lâu năm có uy tín, sử dụng dịch vụ trọn gói và mua bảo hiểm của NH…) nên những nhu cầu vay mới gần như không được đáp ứng. Đến nay, tình hình vốn huy động VND của hệ thống NH tuy đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức khiêm tốn.

 

Đây là lý do tại sao các NH vẫn rất thận trọng trong việc cho vay ra. LS cao là một rào cản kỹ thuật để buộc khách hàng phải giảm bớt nhu cầu vay ngân hàng.

 

Đã đến lúc nên hạ LS cho vay

Nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục, nguồn vốn huy động tháng 7/2008 đã tăng nhẹ so với tháng 6. Mặt bằng LS tiền gửi đã giảm. Tâm lý người gửi tiền khá ổn định nên số tiền gửi có kỳ hạn dài hơn tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Nếu CPI tháng 8 không tăng quá cao, nhiều khả năng một số NH sẽ dư vốn VND.

 

Đây là những tiền đề để các NH tính toán khả năng hạ LS cho vay một cách đồng loạt. Hiện tại, đối với các khách hàng tốt, hầu hết các NH cũng không cho vay đến 21%/năm. Nhưng số khách hàng được hưởng sự ưu đãi này là rất  ít. Nhiều DN và khách hàng có nhu cầu vẫn không vay được vốn NH cho dù chấp nhận LS 21%/năm.

 

Vì vậy, có ý kiến cho rằng nếu LS giảm mà NH vẫn hạn chế cho vay ra thì hành động giảm LS này chỉ tác dụng làm giảm nhẹ chi phí tài chính của những DN đang có quan hệ tín dụng với NH, chủ yếu là các DNNN mà chưa có tác động tích cực thực sự đến  nền kinh tế.

 

Thời điểm này, có thể nhiều NH đang chờ đợi diễn biến chỉ số CPI  và diễn biến nguồn tiền gửi tháng 8/2008 để quyết định có hạ LS cho vay VND hay không.

 

Giám đốc một chi nhánh NH NN&PTNT nói: “Chúng tôi đã giảm LS cho vay, chỉ 19,2%/năm. Hầu hết DN có  tỷ suất lợi nhuận (ROE) không  quá 20%/năm, LS quá cao  thì tiền đâu mà trả lãi NH. Hạ LS cho vay vừa được khách hàng cảm ơn, NH lại mở rộng được tín dụng, tránh đọng vốn”.


VNN

Tin cùng chuyên mục