Đã đến lúc, chúng ta bước hẳn vào kinh tế thị trường

0:00 / 0:00
0:00
Sau gần 35 năm đổi mới với nhiều thành quả, đã đến lúc Việt Nam phải là một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, theo thông lệ quốc tế, chứ không thể mãi là nền kinh tế chuyển đổi.
Doanh nghiệp Việt đã được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm, đang cần được tự do quyết định làm gì, như thế nào… Doanh nghiệp Việt đã được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm, đang cần được tự do quyết định làm gì, như thế nào…

1. Một ngày, tuần cuối tháng 7/2020, tại Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) ở Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế tên tuổi của Việt Nam chăm chú nhìn lên màn hình. Ở đó, TS. Fred McMahon, chuyên gia Viện Fraser (Canada), một mình ngồi trong văn phòng cách Hà Nội nửa vòng trái đất, đang nhắc đến Việt Nam.

Covid-19 khiến ông không thể có mặt tại Hà Nội vào lúc này, tham gia Tọa đàm Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam, để thêm một ý kiến tham vấn khi Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045.

“Việt Nam đã có thành tích tăng trưởng đáng nể”, TS.Fred McMahon nhận xét. Song, ông đã không dừng ở đó. “Nhiều quốc gia đã từng có thành tích tăng trưởng cao như Việt Nam, nhưng đã tàn phai bởi những thất bại trong việc cải thiện tự do kinh tế”, ông nói tiếp.

Trong khi những đồng nghiệp ở đầu cầu Việt Nam đang lật giở tập tài liệu mà ông đã gửi trước, soi kỹ hơn điểm số của Việt Nam trong bộ chỉ số Tự do kinh tế (EFW) mà Viện Fraser xây dựng, ông nói thêm: “Tự do kinh tế tạo ra động năng để tăng trưởng vượt qua bẫy thu nhập trung bình”.

Về tổng thể, EFW bao gồm 42 chỉ số thành phần, được sắp xếp vào 5 nhóm (quy mô chính phủ, hệ thống pháp luật và quyền sở hữu tài sản, chính sách tiền tệ, tự do thương mại quốc tế và quy định kiểm soát tín dụng, lao động và kinh doanh).

Nhà kinh tế học Douglass North, đoạt giải Nobel năm 1993, từng gọi chỉ số này là “thứ gần nhất mà chúng ta có”, một miêu tả về “cách thị trường vận hành hiệu quả” dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế. IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng tham khảo bộ chỉ số này cho việc xây dựng chính sách đầu tư của mình.

“Đáng tiếc, điểm số của Việt Nam chưa tốt, quanh khoảng 6 điểm. Nếu tính cả Chỉ số Quản trị nhà nước (của WB), khoảng 200/600 điểm, thì cả Việt Nam đều đang nằm ở top dưới, ở cả vai trò Nhà nước và thị trường. Con đường chuyển sang kinh tế thị trường của Việt Nam thực sự vẫn dang dở”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói, khi tham gia thảo luận.

Đây không phải lần đầu, ông Cung nhắc tới điều này. 5 năm trước, trong một nghiên cứu về kinh tế thị trường ở Việt Nam do CIEM thực hiện, ông đã nói đúng như vậy. Khi đó, ông Cung viện dẫn Chỉ số IEF do Quỹ di sản và Tờ báo phố Wall của Mỹ xây dựng từ năm 1995, đang theo dõi và đánh giá 186 nền kinh tế, dựa trên 12 chỉ số thành phần thuộc 4 nhóm (nhà nước pháp quyền, quy mô chính phủ, hiệu quả của chính sách và độ mở của thị trường). Điểm IEF của Việt Nam chỉ được khoảng 50 điểm và kéo dài liên tục trong khoảng 10 năm, không vượt lên được. Mức điểm này chỉ cao hơn Lào trong khu vực ASEAN.

Năm nay, so với mức trung bình của các nước ASEAN về chỉ số EFW, Việt Nam cũng ở phía dưới.

2. Về lý thuyết, kinh tế thị trường hiện đại là nền kinh tế trong đó nhà nước và thị trường thực hiện hợp lý vai trò và chức năng của mình, kết hợp và bổ sung cho nhau hướng đến một thị trường hoàn hảo.

Thực tế, không bao giờ có thị trường hoàn hảo, nhưng can thiệp của nhà nước là nhằm hướng đến sự hoàn hảo của thị trường, khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết của thị trường. Tuy nhiên, không có công thức chung nào về tỷ lệ nhà nước – thị trường bao nhiêu là đủ, mà tùy thuộc vào mỗi quốc gia và từng giai đoạn phát triển của quốc gia đó.

Ở Việt Nam, đến giờ phút này, theo TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, tỷ lệ Nhà nước vẫn quá nhiều, cần phải lui chân để thị trường lớn lên.

Nhìn lại, thành quả đổi mới gần 35 năm qua của Việt Nam là những bước lui chân của nhà nước, cùng với đó là sự tiến lên của thị trường với sức sáng tạo phi giới hạn của người dân.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), là một trong những người trực tiếp chứng kiến sự lui chân này, khi vào làm tại VCCI từ năm 1966 với công việc đầu tiên là theo dõi tình hình phong tỏa kinh tế, các hoạt động ra vào hàng hóa ở các cảng để làm thành bản tin, gửi cho các bên liên quan, gồm cả các phòng thương mại các nước.

“Trước khi Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc thực hiện khoán hộ ở Vĩnh Phúc vào năm 1966, thì đâu đó đã âm thầm thực hiện. Rồi những năm trước 1986, rau quả từ khoảnh đất phần trăm của nông dân được âm thầm đưa ra chợ, hàng hóa trong Nam vượt rào ra Bắc...

Chính quyền có biết không, có nhưng khi đó, cuộc sống của họ gần với dân, thấu hiểu thực tiễn, nên dù e ngại vẫn đủ can đảm cần thiết để những sáng kiến diễn ra... Những dấu hiệu của thị trường dần lấp vào những chỗ mà nhà nước lờ đi”, bà Lan nhớ lại những đợt sóng ngầm trong nền kinh tế trước khi có khoán 100, khoán 10 hay kế hoạch 3 phần của xí nghiệp quốc doanh…

Sự lui chân mạnh mẽ nhất của Nhà nước thực sự bắt đầu sau năm 1986, khi mà cả giai đoạn trước đó, kinh tế Việt Nam là “hình ảnh đau buồn của nền kinh tế bị chiến tranh hủy diệt, hoang tàn, cơ cấu ngành kinh tế què quặt, mất cân đối nghiêm trọng”.

Năm 1988, Nhà nước bắt đầu nới lỏng độc quyền ngoại thương, trao quyền cho nông dân. Một năm sau, vào năm 1989, từ nước thiếu đói, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực.

Năm 1990, khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, kinh tế Việt Nam gần như bị cô lập, Nhà nước quyết định thu hẹp phạm vi của mình trong công nghiệp và dịch vụ, đóng cửa một loạt doanh nghiệp nhà nước. Những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam xuất hiện. Đây cũng là một tiền đề quan trọng để quyền tự kinh doanh của công dân chính thức được Hiến pháp năm 1992 ghi nhận.

Đặc biệt, cả bà Lan và ông Cung đều nhắc tới Luật Doanh nghiệp 1999 như điển hình của bước lui chân chủ động, mạnh mẽ của Nhà nước, để nền kinh tế tiến sâu hơn vào thị trường.

“Khi Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định bãi bỏ 84 giấy phép con đầu tiên vào ngày 3/2/2000, hiện thực ngay tư tưởng mang tính cách mạng của Luật Doanh nghiệp là người dân được tự do làm những gì pháp luật không cấm, thị trường bùng nổ. Chỉ trong 2 năm 2000-2001, hơn 40.000 doanh nghiệp ra đời, bằng toàn bộ số doanh nghiệp thành lập 10 năm trước đó…”, ông Cung nói.

Tính đến nay, hàng ngàn giấy phép, điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ, đơn giản. Nỗ lực này của Chính phủ không dừng lại ở các quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, mà là trong toàn bộ quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, để thúc đẩy tự do kinh doanh.

Nhưng sau 20 năm, ông Cung nói, doanh nghiệp Việt mới được đảm bảo quyền tự do kinh doanh những gì làm pháp luật không cấm, còn tự do quyết định sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất như thế nào, cho ai... vẫn chưa trọn vẹn.

3. Trong rất nhiều cuộc thảo luận về thể chế kinh tế Việt Nam, quan điểm phải đổi mới, cải cách rất rõ, nhưng đổi mới cái gì, như thế nào, mục tiêu đạt được là gì… dường như vẫn đang là chủ đề nóng.

Thay vì lui chân hay đứng yên như trong các giai đoạn đổi mới, cải cách trước, lần này, Nhà nước phải chủ động làm nhiều hơn để thị trường, nhất là thị trường các nhân tố sản xuất, hoạt động đầy đủ, trở thành yếu tố quyết định trong phân bổ nguồn lực xã hội.

Nhìn lại nền kinh tế sau khi có khoán 100, khoán 10, thấy rõ là vấn đề cốt tử đã được chạm, hàng hóa tuôn ra ào ào. Hiện tại, dù đã có những thay đổi rất lớn, nhưng để nền kinh tế Việt Nam thực sự bước vào kinh tế thị trường đầy đủ, cần phải chạm đúng điểm bật.

Theo ông Cung, điểm bật lúc này là cải cách sở hữu và cải cách vai trò của Nhà nước. Vì ông cho rằng, cách thức quản lý nhà nước của Việt Nam đang theo kiểu kiểm soát, doanh nghiệp làm gì tôi phải biết, nên hệ thống thanh tra, kiểm tra, điều kiện kinh doanh dày đặc. Hệ quả là làm méo mó thị trường, tăng độ nhũng nhiễu và tùy ý trong triển khai thực hiện, gia tăng mức độ rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp, tăng chi phí tuân thủ...

Như vậy, cải cách vai trò của nhà nước sẽ là thay đổi tư duy, quản lý nhà nước. “Ví dụ rất đơn giản để hiểu thay đổi thế nào là cơ quan nhà nước sẽ không đến doanh nghiệp để bắt lỗi, mà để hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, sẽ phải coi trọng các thiết chế bảo vệ sở hữu, tài sản của doanh nghiệp, người dân; thúc đẩy thị trường các nhân tố sản xuất phát triển”, ông Cung chia sẻ quan điểm.

TS. Nguyễn Tú Anh, chuyên gia Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ quan điểm này khi nhìn vào sự chậm trễ trong cải cách thủ tục hành chính.

“Thủ tục hành chính khi được thiết kế ra đều có mục tiêu chính đáng, nhưng tại sao nó lại thành rào cản, cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp. Ở góc độ từng bộ, ngành riêng lẻ, bộ nào cũng sẽ nói không thể cắt được vì để thực hiện theo nhiệm vụ quản lý. Câu trả lời là Chính phủ sẽ quyết định cắt bỏ thủ tục trên đánh giá tổng thể yêu cầu, cách thức quản lý, chứ không phải là các bộ, ngành. Nghĩa là sẽ phải thay đổi phương thức quản lý, từ quan điểm quản lý đến nội dung thể chế và thủ tục hành chính chỉ là phần biểu hiện”, ông Tú Anh đề xuất.

Rõ ràng, thay vì lui chân hay đứng yên như trong các giai đoạn đổi mới, cải cách trước, lần này, Nhà nước phải chủ động làm nhiều hơn để thị trường, nhất là thị trường các nhân tố sản xuất hoạt động đầy đủ, trở thành yếu tố quyết định trong phân bổ nguồn lực xã hội…

Đặc biệt, giới chuyên gia tin rằng, những người lãnh đạo cao nhất phải là những người dẫn dắt sự thay đổi, tạo ra sự thay đổi và chịu trách nhiệm với sự thay đổi.

Với riêng ông Cung, ông tin là trong nhiệm kỳ tới, Việt Nam sẽ phải kết thúc quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, tập trung xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, theo thông lệ quốc tế….

Khánh An ,
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục