Đa dạng hóa nhà đầu tư trái phiếu, bao giờ?

(ĐTCK) Dù đã trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho Chính phủ và một số DN, nhưng thị trường trái phiếu còn 2 điểm yếu cần phải khắc phục, đó là cơ cấu nhà đầu tư và sản phẩm còn nghèo nàn.
Đa dạng hóa nhà đầu tư trái phiếu, bao giờ?

Được tổ chức theo mô hình thị trường trái phiếu chuyên biệt từ tháng 6/2009 do Sở GDCK Hà Nội vận hành, sau 4 năm, thị trường trái phiếu Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho Chính phủ và một số DN, tạo nên một công cụ có vai trò chỉ báo trong việc điều hành chính sách tiền tệ - tài khóa tại Việt Nam. Tuy nhiên, nói về thị trường này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HNX cho rằng, còn 2 điểm yếu cần phải khắc phục, đó là cơ cấu nhà đầu tư và sản phẩm còn nghèo nàn.

Đa dạng hóa nhà đầu tư trái phiếu, bao giờ?

Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020 do Bộ Tài chính ban hành có 1 mục riêng về phát triển và đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư trái phiếu. Theo đó, giải pháp đầu tiên là khuyến khích bảo hiểm xã hội đầu tư trực tiếp vào thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp và giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp với các phương án quản lý dòng tiền, quản lý tài sản đầu tư của hệ thống bảo hiểm xã hội. Giải pháp tiếp theo là tổ chức triển khai cơ chế, chính sách về hình thành và phát triển chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện để tạo nguồn vốn đầu tư dài hạn vào thị trường trái phiếu; khuyến khích Bảo hiểm tiền gửi tăng tỷ trọng mua tín phiếu, trái phiếu chính phủ theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi. Lộ trình cũng đưa ra mục tiêu thu hút nhà đầu tư cá nhân bằng quy định, cần đa dạng hóa các loại quỹ đầu tư mục tiêu, trong đó bao gồm các loại quỹ đầu tư trái phiếu; khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân thông qua các quỹ đầu tư trái phiếu, đồng thời nghiên cứu hiện đại hóa phương thức bán lẻ trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân để hình thành một kênh huy động vốn liên tục, đáp ứng nhu cầu đầu tư của dân cư vào các tài sản có tính an toàn cao.

Đa dạng hóa nhà đầu tư trái phiếu, bao giờ? ảnh 1

Lộ trình đến năm 2020, NĐT cá nhân sẽ được tham gia thị trường trái phiếu

Với nhà đầu tư nước ngoài, mục tiêu đặt ra là khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích các tổ chức nước ngoài phát hành các chứng chỉ lưu ký toàn cầu được niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài, với tài sản cơ sở là trái phiếu chính phủ trong nước.

Trong lộ trình phát triển thị trường trái phiếu của Bộ Tài chính, nhà đầu tư mục tiêu được định hình rất rõ ràng, nhưng để đạt được mục tiêu này vẫn còn là tương lai xa của TTCK Việt Nam .

 

Nhận diện điểm yếu

Hai điểm yếu của thị trường trái phiếu, đó là cơ cấu nhà đầu tư và cơ cấu sản phẩm được Chủ tịch HNX nhìn nhận thẳng thắn và cho rằng, hiện nay, nhà đầu tư chủ yếu trên thị trường vẫn là các ngân hàng thương mại. Số lượng quỹ và CTCK, nhà đầu tư nước ngoài còn yếu. Thị trường trái phiếu Việt Nam thiếu vắng nhà đầu tư tổ chức truyền thống mà thế giới có, đó là các quỹ hưu trí và hệ thống các nhà đầu tư lớn. Theo Chủ tịch HNX, nếu muốn có nhà đầu tư lớn, thị trường trái phiếu phải phát triển đủ lớn và ổn định. Trong khi đó, mô hình quỹ hưu trí mới đang ở giai đoạn sơ thảo ở Việt Nam , nên cần nhiều thời gian để tổ chức này ra đời và rót vốn vào trái phiếu. “Ở châu Âu, hệ thống quỹ hưu trí nắm khoảng 50% trái phiếu chính phủ, các ngân hàng đóng vai trò phân phối nhiều hơn”, ông Dũng nói.

Để phát triển thị trường trái phiếu, theo ông Dũng, điều quan trọng là phải xây dựng được hệ thống nhà đầu tư, hệ thống sản phẩm và nâng cao tính minh bạch, công khai của thị trường. Ở đó, đòi hỏi nỗ lực của nhiều bộ, ngành liên quan, bởi thị trường cần sự hợp sức của nhiều chủ thể. Tại HNX, ông Dũng cho biết, cơ quan này đang và sẽ tập trung phát triển các sản phẩm và công cụ đầu tư. Sau khi đưa đường cong trái phiếu vào vận hành, tới đây, HNX sẽ công bố hệ thống chỉ báo đầu tư trái phiếu cùng chỉ số trái phiếu Bond-index. Về sản phẩm, tín phiếu kho bạc lên sàn vào giữa năm 2012 và HNX đang nghiên cứu triển khai trái phiếu tiền phát hành, hoàn thiện bộ sản phẩm repo trái phiếu, trong đó sẽ cho phép hoán đổi nhiều loại ngoại tệ, dự kiến triển khai năm 2014-2015.

Dù còn nhiều việc phải làm, nhưng những tín hiệu tích cực trên thị trường trái phiếu đã thu hút sự quan tâm của dư luận và ngày càng rõ nét. Ông Dũng cho biết, nếu trước đây, xu hướng lãi suất trái phiếu rất khó đoán, mỗi tổ chức tự tính một kiểu thì gần đây, thanh khoản trên thị trường đã được cải thiện, rải đều từng tháng với nhiều phiên giao dịch trên 2.000 tỷ đồng, tạo nên một mặt bằng lãi suất khá đẹp. Giao dịch trên thị trường trái phiếu đang và sẽ tạo nên tín hiệu giúp Bộ Tài chính hình thành lãi suất huy động trái phiếu chính phủ, đồng thời là một công cụ tham khảo với NHNN khi điều hành chính sách tiền tệ Việt Nam.

Tường Vi
Tường Vi

Tin cùng chuyên mục