Sau trích lập, lợi nhuận chỉ còn 1/3
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 3 quý đầu năm đang dần được lắp ghép đầy đủ với đa số mảng màu tươi sáng. Những con số kỷ lục liên tục được phá vỡ, những ngân hàng lọt vào danh sách lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng ngày càng dài thêm.
Đến thời điểm này, đã có hàng loạt ngân hàng ghi danh vào “câu lạc bộ lãi trên 1.000 tỷ đồng” như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, VPBank, Techcombank, MB, ACB, SHB, LienVietPostBank, HDBank, Sacombank. Kết thúc năm nay, có thể có thêm vài ngân hàng nữa đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, năm nay, lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng trưởng rất tốt. Những nhà băng lãi ngàn tỷ đã chiếm non nửa số ngân hàng trong toàn hệ thống.
Với triển vọng kinh doanh sáng sủa, kết thúc năm nay, một số ngân hàng như Vietcombank, VietinBank có thể cán mốc lợi nhuận 10.000 tỷ đồng - một con số chưa từng có.
Thế nhưng, nếu bóc tách kỹ kết quả kinh doanh, có thể thấy rằng, các ngân hàng vẫn sống dựa chủ yếu vào tín dụng. Ngân hàng càng lớn, cho vay càng nhiều thì lãi càng cao.
Tuy nhiên, hệ lụy từ tăng trưởng “nóng” về tín dụng thời gian qua là rủi ro tín dụng cũng tăng lên. Do đó, dù lợi nhuận thu về rất lớn, song nhiều ngân hàng đã phải chi hàng ngàn tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro.
Đơn cử, nếu không tính phần trích lập dự phòng, BIDV sẽ là nhà băng dẫn đầu hệ thống về kết quả kinh doanh với lợi nhuận riêng lẻ lên tới 17.556 tỷ đồng.
Tuy nhiên, gánh nặng trích lập dự phòng lên tới 11.553 tỷ đồng khiến lợi nhuận của ngân hàng chỉ còn lại hơn 1/3 (6.000 tỷ đồng). Sau khi hợp nhất, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm còn 5.550 tỷ đồng (khoản trích lập dự phòng lên tới 11.886 tỷ đồng), rơi khỏi top 3 hệ thống về lợi nhuận.
Dù lợi nhuận thu về rất lớn, song nhiều ngân hàng đã phải chi hàng ngàn tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro.
Tương tự, 3 quý đầu năm, khoản lợi nhuận thu về từ hoạt động kinh doanh hợp nhất của VietinBank lên tới 13.895 tỷ đồng, song việc phải chi gần một nửa để trích lập dự phòng (hơn 6.660 tỷ đồng) khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn 7.232 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận trước dự phòng của Vietcombank thấp hơn hai ngân hàng trên, song khoản trích lập thấp nên lợi nhuận đã vọt lên 7.934 tỷ đồng, dẫn đầu hệ thống.
Với các ngân hàng khối TMCP tư nhân, rất nhiều ngân hàng cứ kiếm được 2 đồng thì chỉ được giữ lại 1 đồng lợi nhuận, phải chi 1 đồng cho trích lập dự phòng rủi ro.
Cụ thể, VPBank lãi thuần từ hoạt động kinh doanh (hợp nhất) là 11.255 tỷ đồng thì phải trích lập dự phòng rủi ro 5.620 tỷ đồng; ACB đạt lợi nhuận 3.332 tỷ đồng, phải trích lập 1.423 tỷ đồng…
Ngân hàng lo xa hay chất lượng vay chưa ổn?
Việc nhà băng phải chi mạnh tay cho trích lập dự phòng rủi ro cho thấy hai khía cạnh. Một là, ngân hàng đang thận trọng lo xa, hai là tín dụng đang tăng nóng dẫn đến chất lượng khoản vay còn nhiều rủi ro. Đương nhiên, không phải ngân hàng nào tăng trưởng nóng cũng rủi ro.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, đến thời điểm này, tổng dư quỹ dự phòng của Vietcombank đã lên tới 136% tổng dư nợ xấu.
Sở dĩ ngân hàng dành lượng lớn lợi nhuận vào trích lập dự phòng là để ngừa các rủi ro tiềm ẩn trong tương lai. Dù vậy, để giảm các rủi ro về tín dụng, ngân hàng cũng chủ trương đẩy mạnh bán lẻ, tăng thu dịch vụ thay vì dựa vào tín dụng.
Trong khi đó, thừa nhận đã theo đuổi chiến lược tăng trưởng nhanh thời gian qua, song ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, ngân hàng Việt Nam muốn dẫn đầu thì phải chạy nhanh, miễn là có khả năng quản trị rủi ro tốt. “Mức trích lập dự phòng rủi ro của VPBank rất cao, cho thấy ngân hàng rất thận trọng và hoàn toàn đủ khả năng xử lý toàn bộ nợ xấu”, ông Vinh nói.
Theo vị CEO này, nếu đo lường được rủi ro, đồng thời xây dựng được hệ thống quản trị rủi ro tốt, dù có nợ xấu cao, ngân hàng vẫn có thể vừa đạt hiệu quả kinh doanh cao, vừa có đủ năng lực để xử lý nợ xấu.
Một lý do nữa khiến nhiều ngân hàng cho biết phải tăng trích lập dự phòng rủi ro là dù kinh tếđang tăng trưởng tốt, song những cú sốc của nền kinh tế vừa qua buộc ngân hàng phải căn cơ hơn.
Chưa kể, hiện số nợ xấu chưa được xử lý của ngân hàng tại VAMC vẫn còn rất lớn. Tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn trong xử lý nợ xấu thời gian tới.