Dẫn câu chuyện Hàn Quốc chỉ mất 26 năm để nâng cấp nền kinh tế từ thu nhập thấp lên thu nhập cao, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia K. Yogeevaran cho biết, Malaysia dù đã tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chưa được như mong muốn.
“Chúng tôi đã mất 27 năm để đi từ một nền kinh tế thu nhập thấp lên thu nhập trung bình, và mất 22 năm để đi từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình lên thu nhập cao”, ông K. Yogeevaran nói.
Vấn đề của Malaysia, theo ông K. Yogeevaran, còn là tăng trưởng không đồng đều giữa các vùng miền, các khu vực khác nhau, phân bổ chưa công bằng, năng suất lao động cũng thấp, TFP giảm theo thời gian, chi phí sống tăng lên, dư địa tài khóa hạn hẹp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung…
“Mặc dù chúng tôi cũng đã tiếp nhận nhiều FDI, nhưng có giai đoạn phần lớn FDI cũng chỉ đầu tư vào công nghệ thấp, vào các ngành thâm dụng lao động”, ông K. Yogeevaran thừa nhận.
Một vấn đề nữa với Malaysia, như chia sẻ của ông K. Yogeevaran, là sự mất cân đối ở thị trường lao động, khi mà có tới 48% nhân lực là lao động có kỹ năng, trong khi nhu cầu của thị trường chỉ là 5%. Điều này cũng dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tương đối cao, do đối tượng này thường được đào tạo bài bản ở bậc đại học.
“Chúng tôi đã sai khi thúc đẩy đào tạo nhiều vào bậc đại học mà lơ là đào tạo nghề. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung nhiều vào đào tạo nghề”, ông K. Yogeevaran thừa nhận.
Chia sẻ kinh nghiệm của Malaysia, ông K. Yogeevaran cũng cho biết, vấn đề của đất nước này cũng là “năng suất”, giống như Việt Nam. “Vấn đề năng suất phải được xử lý ở cả 3 cấp, bao gồm cấp độ can thiệp là quốc gia, ngành và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp phải đóng vai trò tiên phong và có vai trò quan trọng”, ông K. Yogeevaran nói.
Trong khi đó, về đổi mới sáng tạo, với Malaysia, đây cũng là “chủ đề mới” và Malaysia cũng đang chuyển đổi hành động, làm sao chuyển ý tưởng, sáng kiến thành sản phẩm để có giá trị gia tăng cao hơn.
“Để trở thành quốc gia có thu nhập cao, chúng tôi xác định, phải tăng cường vào vốn con người; chuyển đổi sang các ngành phức hợp và giá trị cao trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cho chế tạo và chế biến; giải quyết chênh lệch thu nhập và bất cân đối vùng miền để phát triển bao trùm; tăng cường bền vững môi trường qua tăng trưởng xanh; cải cách thể chế và quản trị nhà nước; nâng cao năng suất ở cả 3 cấp độ can thiệp là quốc gia, ngành và doanh nghiệp; và đổi mới sáng tạo để hướng tới thịnh vượng”, ông K. Yogeevaran nói.
Kết luận bài phát biểu của mình, ông K. Yogeevaran nhấn mạnh, bài học rút ra là tăng trưởng dựa vào đầu vào sẽ không bền vững trong dài hạn, mà cần tăng trưởng dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo; đổi mới sáng tạo cần được định hướng để tạo giá trị và lợi ích kinh tế; phải cải cách thể chế và quản trị để hình thành hệ sinh thái hỗ trợ và đảm bảo rằng, FDI sẽ đem lại lợi ích tối đa cho nền kinh tế trong nước.
“Chúng tôi cũng xác định phải cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và tăng cường phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông K. Yogeevaran nói.
Ông K. Yogeesvaran đã có 36 năm phục vụ trong hệ thống hành chính và ngoại giao của Malaysia, tham gia nhiều dự án về xây dựng và theo dõi, đánh giá chiến lược kinh tế vĩ mô, chiến lược phát triển ngành quốc gia; xây dựng và thực hiện chính sách phát triển trung và dài hạn cấp quốc gia.
Từ tháng 8/2017 đến tháng 5/2018, ông là Thứ trưởng Bộ công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia, phụ trách xây dựng chiến lược, chính sách ngành và thực hiện các chương trình phát triển nông sản hàng hóa.
Những chia sẻ của ông rất có ý nghĩa đối với Việt Nam, bởi Malaysia cũng đã từng đi qua các giai đoạn phát triển như Việt Nam hiện nay.