Sau 3 ngày xét xử và nghị án, sáng nay (24/11), TAND TP. Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (Dược Cửu Long), gây thiệt hại 3,8 triệu USD.
Tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bị cáo Cao Minh Quang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, 30 tháng tù, cho hưởng án treo; Dương Huy Liệu, cựu Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, 24 tháng tù, cho hưởng án treo; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, 24 tháng tù; và Phạm Thị Minh Nga, chuyên viên Vụ kế hoạch Tài Chính, cựu Kế toán trưởng Ban quản lý thực hiện kế hoạch phóng chống dịch cúm A (H5N1), Bộ Y tế, 15 tháng tù, cùng về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng tội danh, Nguyễn Việt Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, bị tuyên phạt 30 tháng tù, cộng bản án 3 năm tù trước đó, tòa tuyên bị cáo này phải chịu phạt tổng 5 năm 6 tháng tù.
Với ba bị cáo thuộc Công ty Dược Cửu Long, tòa tuyên Lương Văn Hoá, cựu Tổng giám đốc Công ty Dược Cửu Long, 9 năm tù; Nguyễn Văn Thanh Hải, cựu Kế toán trưởng Công ty Dược Cửu Long và Ngô Hữu Hiếu Nghĩa, cựu Giám đốc Chi nhánh tại TP. HCM, kiêm Giám đốc Xuất Nhập khẩu Công Dược Cửu Long, cùng 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX ghi nhận bị cáo Cao Minh Quang cùng đồng phạm tại Bộ Y tế đã nộp khắc phục hơn 2 tỷ đồng, còn bị cáo Lương Văn Hóa và thuộc cấp đã nộp khắc phục gần 1,5 tỷ đồng. HĐXX buộc Dược Cửu Long phải nộp khắc phục số tiền còn lại là hơn 58 tỷ đồng.
Theo đánh giá của HĐXX, trong vụ án này, các bị cáo là cựu cán bộ Công ty Dược Cửu Long đã không báo cáo Bộ Y tế về số tiền hơn 3,8 triệu USD được giảm giá mà hạch toán trái pháp luật, che giấu số tiền phải trả lại cho Bộ Y tế. Đây là vụ lợi tập thể, các bị cáo có lỗi trực tiếp gây thiệt hại.
Việc Công ty Dược Cửu Long dùng tiền vào nhiều mục đích khác nhau (như chia cổ tức cho các cổ đông…), số tiền trên đã hoà vào hoạt động chung của Công ty nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh từ đó đến nay: Theo quy định của pháp luật, thiệt hại của pháp nhân gây ra thì pháp nhân phải bồi thường trước, sau đó pháp nhân có thể yêu cầu cá nhân gây thiệt hại phải hoàn trả số tiền trên cho Bộ Y tế. Công ty Dược Cửu Long cũng có quyền yêu cầu các bị cáo, cá nhân liên quan hoàn trả lại tiền, nếu có tranh chấp, yêu cầu giải quyết trong vụ án dân sự khác.
Theo cáo trạng ban hành, bị cáo Lương Văn Hóa có vai trò chính trong vụ án, đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ, che giấu khoản tiền 3,8 triệu USD mà Công ty Mambo đồng ý giảm giá mua nguyên liệu thuốc. Sau khi "biển thủ" khoản tiền này, bị cáo Hóa không báo cáo cho Bộ Y tế, mà vẫn yêu cầu Bộ chuyển đủ tiền để trả cho đối tác.
Với các bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Dược Cửu Long, VKSND đánh giá nhóm này có vai trò đồng phạm, giúp sức cho cựu tổng giám đốc Dược Cửu Long. Điều này thể hiện qua việc các bị cáo đã tham mưu, thực hiện chỉ đạo của ông Hóa trong việc giữ lại 3,8 triệu USD.
Đối với bị cáo Cao Minh Quang, VKSND cho rằng, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm tra việc quản lý giá với các doanh nghiệp sản xuất thuốc theo đơn đặt hàng của Bộ Y tế. Bị cáo Quang biết rõ Dược Cửu Long chưa thanh toán 3,8 triệu USD mua nguyên liệu, song đã không chỉ đạo kiểm tra, làm rõ việc này.
Khi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế kiểm tra làm rõ bản chất số tiền mà Dược Cửu Long chậm trả nhà cung cấp để có biện pháp thu hồi tài sản cho nhà nước, bị cáo Quang vẫn không thực hiện. VKSND cho rằng sai phạm của cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang gây thiệt hại cho nhà nước hơn 3,8 triệu USD.
VKSND đánh giá, cựu Cục phó Nguyễn Việt Hùng được giao làm trưởng đoàn liên ngành kiểm tra mua, sản xuất thuốc dự trữ, cùng với nhóm bị cáo tại đơn vị của Bộ Y tế, bị cáo Hùng bị cáo buộc không kiểm tra sổ sách, kế toán, báo cáo tài chính và hạch toán số tiền 3,8 triệu USD. Hành vi thiếu trách nhiệm của các bị cáo này đã khiến nhóm bị cáo tại Dược Cửu Long hưởng lợi bất chính số tiền tương đương hơn 61 tỷ đồng.