Cựu thủ quỹ ngân hàng hầu tòa sau 11 năm trốn chạy

(ĐTCK) Ngày 14/11, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử bị cáo Chu Thị Việt Hà (SN 1974, ở Thái Bình, cựu thủ quỹ phòng giao dịch Hàm Long của một ngân hàng lớn).
Cựu thủ quỹ ngân hàng hầu tòa sau 11 năm trốn chạy

Chiếm chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng của ngân hàng

Theo cáo trạng, năm 2004, Hà được tuyển dụng làm thủ quỹ phòng giao dịch Hàm Long. Theo quy định nội bộ, thủ quỹ có nhiệm vụ thu tiền gửi tiết kiệm, tiền trả nợ vay của khách hàng; quản lý, bảo quản giấy tờ có giá như sổ đỏ, sổ tiết kiệm của khách hàng… Toàn bộ tài sản này được quản lý tại két.

Với nhiệm vụ của mình, cuối ngày, Hà phải vào sổ sách, thực hiện trên máy tính và đóng tiền theo thếp, bó; niêm phong, ký xác nhận số lượng tiền rồi trực tiếp bàn giao cho cán bộ Trung tâm dịch vụ ngân quỹ theo biên bản bàn giao. Bị cáo phải chịu toàn bộ trách nhiệm về số lượng tiền đã niêm phong. Đầu giờ làm việc hôm sau bị cáo nhận lại tiền để quản lý.

Cơ quan điều tra xác định, ngày 10/9/2008, Hà bàn giao số tiền hơn 5,5 tỷ đồng cho Trung tâm dịch vụ ngân quỹ. Cùng ngày, phòng giao dịch đề nghị điều chuyển tiền mặt để tiếp quỹ số tiền 2,3 tỷ đồng. Ngày 11/9/2008, Trung tâm dịch vụ ngân quỹ chuyển số tiền 2,3 tỷ đồng. Do số tiền phòng giao dịch chuyển về Trung tâm dịch vụ ngân quỹ nhiều hơn số tiền xin điều chuyển nên Trung tâm đã giữ lại số tiền phòng giao dịch nộp và tiến hành kiểm đếm.

Khi đó, cán bộ Trung tâm dịch vụ ngân quỹ phát hiện thiếu tiền và lẫn tiền khác mệnh giá nên lập tức dừng việc kiểm đếm, giữ nguyên hiện trạng đồng thời thông báo cho chi nhánh biết.

Chi nhánh đã nhanh chóng báo về phòng giao dịch và yêu cầu Hà đến giải trình nhưng đối tượng cắt đứt liên lạc. Phòng giao dịch lập hội đồng kiểm đếm xác định có 2/3 bó tiền bị thiếu 357 triệu đồng, trong đó lẫn 846 tờ loại tiền mệnh giá 100.000 đồng; lẫn 12 tờ loại mệnh giá 20.000 đồng.

Chiều cùng ngày, chi nhánh kiểm tra kho quỹ đột xuất thì phát hiện bị hụt số tiền 908 triệu đồng. Tổng số tiền bị can chiếm đoạt là hơn 1,2 tỷ đồng.

Từ vụ việc trên, ngân hàng rà soát các tài sản có giá do Hà quản lý thì phát hiện 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khách hàng đang thế chấp tại ngân hàng cũng “không cánh mà bay”.    

Sau khi trốn truy nã gần hơn 11 năm, ngày 2/4/2019, đối tượng ra đầu thú. Tại cơ quan điều tra, bị can này khai nhận trong thời gian làm thủ quỹ, do vay nợ tín dụng đen, làm ăn thua lỗ nên không có tiền trả nợ. Bị can rút tiền của ngân hàng để trả nợ và chi tiêu cá nhân.

Hà khai nhận cách thức thực hiện là khi niêm phong tiền sẽ để tiền có mệnh giá thấp vào thếp tiền có mệnh giá cao sau đó vẫn kê số lượng tờ, tổng tiền đúng đủ theo mệnh giá. Với thủ đoạn trên từ tháng 3-9/2008 bị cáo đã rút và chiếm đoạt số tiền trên.

Còn với 3 quyển sổ đỏ bị mất, bị can khẳng định không biết và không mang những giấy tờ trên ra ngoài.

Cơ quan điều tra xác định, giám đốc và phó giám đốc phòng giao dịch phụ trách kế toán, ngân quỹ đã có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, các cá nhân này được áp dụng các tình tiết có lợi cho người phạm tội theo Nghị quyết 41/2017 thì đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý.

Còn việc mất 3 sổ đỏ, ngân hàng đã phối hợp với khách hàng là 2 công ty trong lĩnh vực xây dựng và công nghệ để liên hệ với các sở, ban ngành xin cấp lại giấy tờ. Hai doanh nghiệp trên đã được cấp lại sổ đỏ và tất toán các khoản vay tại ngân hàng nên không có khiếu kiện gì.

Và cú nẫng “mua cổ phần"

Ngoài hành vi trên, quá trình điều tra, năm 2008, cơ quan điều tra còn nhận được đơn tố cáo của ông Trần Mạnh L. (ở Đồng Nai) về việc bị can có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 195 triệu đồng thông qua việc nhận tiền mua cổ phiếu ngành điện.

Theo đơn tố cáo, năm 2007, ông L. chuyển khoản số tiền trên vào tài khoản của Hà để nhờ mua giúp cổ phần tại CTCP Thủy điện, điện lực Đắk Lắk. Sau khi nhận tiền, Hà chỉ chuyển cho công ty số tiền 30 triệu đồng để mua cổ phần. Hà đứng tên số cổ phần trên. Còn lại 165 triệu đồng, Hà khai do chưa đến kỳ mua nên đã sử dụng chi tiêu cá nhân.

Công an đã xác minh tại CTCP Thủy điện, điện lực Đắk Lắk thì xác định từ tháng 2-5/2007, Hà chuyển vào tài khoản công ty số tiền 30 triệu đồng để mua cổ phần dự án thủy điện EaĐrăng 2 của công ty (tương ứng với 3.000 cổ phần). Công ty vẫn đang giữ sổ chứng nhận cổ đông với giá trị cổ phần trên.

Tuy nhiên, hiện nay, Công ty đã đăng ký giao dịch chứng khoán trên UPCoM nên việc giao dịch chuyển nhượng chứng khoán của cổ đông, công ty không quản lý. Đến thời điểm hiện tại, Công ty chia cổ tức cho cổ đông Chu Thị Việt Hà số tiền 18,6 triệu đồng và vẫn đang giữ tại Công ty.

Đầu năm 2019, khi bị can ra đầu thú, cơ quan điều tra phục hồi điều tra hành vi trên. Tuy nhiên ông L. không đến cơ quan làm việc. Ngày 10/5/2019, ông L. có đơn rút toàn bộ nội dung tố cáo yêu cầu về mặt hình sự và dân sự.

Ông L. nêu lý do trong đơn: “Hà là cháu ruột, hiện không có khả năng trả lại và sự việc đã lâu nên ông không muốn truy cứu”. Ông L. cam đoan không khiếu nại và khiếu kiện gì sau này". 

Do đó, cơ quan điều tra không xem xét xử lý hành vi trên. Với số cổ phần và lợi tức vẫn đứng tên Chu Thị Việt Hà, cơ quan điều tra có công văn đề nghị Công ty dừng giao dịch chuyển nhượng số cổ phần này và đề nghị HĐXX xem xét trong quá trình tố tụng.

Phiên tòa sáng nay 14/11 phải tạm hoãn do vắng mặt luật sư.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục