Chiều 21/5, sau một ngày làm thủ tục và công bố cáo trạng, TAND tỉnh Sơn La bắt đầu xét hỏi 17 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại nhà máy thủy điện Sơn La.
Trong số này, bị cáo Triệu Ngọc Hoan giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh. Một số người khác là lãnh đạo xã ở huyện Mường La.
Ngoài ra, bị cáo Phan Tiến Diện là cựu Phó giám đốc Sở TN&MT trường tỉnh, Phan Đức Chính từng giữ vị trí Trưởng phòng TN&MT huyện Mường La.
Phiên xử dự kiến diễn ra từ 21-30/5. Nữ thẩm phán Tòng Thị Hiền chủ tọa.
Theo cáo buộc, nhà máy thủy điện Sơn La đóng tại huyện Mường La. Dự án hoàn thiện công tác bồi thường và hỗ trợ di dân rồi khởi công năm 2005, khánh thành 7 năm sau đó.
Năm 2013, UBND tỉnh Sơn La trình Thủ tướng về việc đề nghị bổ sung giá trị bù chênh lệch đất giữa nơi đi và nơi đến thuộc khu tái định cư ở huyện Mộc Châu.
Sau khi được Chính phủ đồng ý, năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Mường La thống kê lại diện tích đất của các hộ đã di dời để đề xuất phương án bồi thường thêm.
Thực hiện chỉ đạo, Trương Tuấn Dũng (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính, khi đó là Phó chủ tịch huyện Mường La) đã chỉ định Văn phòng đăng ký đất đai Sơn La và Công ty Bảo Bình (trụ sở tại Hà Nội) đo đạc lại để lập bản đồ địa chính.
Sau khi huyện Mường La đo đạc và chi trả tiền bồi thường, từ 2015, hàng loạt đơn thư vượt cấp được gửi đi, đề nghị áp dụng bồi thường theo khung giá đất năm 2015 thay vì năm 2013. Việc khiếu kiện làm xấu tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Vào cuộc xác minh, Công an tỉnh Sơn La xác định Trương Tuấn Dũng và các bị cáo đã ban hành văn bản, thực hiện trái chỉ đạo của tỉnh và của Bộ TN&MT. Các bị cáo còn tự thực hiện, lập bản đồ không qua thủ tục pháp lý.
Từ chỉ đạo trái quy định của ông Dũng, các bị cáo biết rõ là sai nhưng vẫn thực hiện dẫn đến bồi thường, hỗ trợ sai hơn 1,2 tỷ đồng cho một hộ dân.