Cứu Eurozone, ECB đau đầu

(ĐTCK) Nền kinh tế eurozone đã suy thoái trong 6 quý liên tiếp với tỷ lệ thất nghiệp chung lên đến 12,2%.
Cứu Eurozone, ECB đau đầu

Nền kinh tế châu Âu đang cần được kích thích và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nói đã sẵn sàng đứng ra làm việc đó. Nhưng phải làm thế nào?

Để kích thích tăng trưởng, ECB vừa cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục mới, qua đó giảm chi phí đi vay cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng của 17 nước sử dụng đồng euro. ECB cũng đã cung cấp hơn 1.000 tỷ euro (1.300 tỷ USD) vốn rẻ, kỳ hạn 3 năm cho các ngân hàng để giúp họ giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng tài chính. Và Ngân hàng cũng tuyên bố sẽ mua không giới hạn các trái phiếu chính phủ nhằm củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, rằng sẽ không có nước nào vỡ nợ cả.

Tuy nhiên, những động thái nói trên đã không kéo được châu Âu ra khỏi tình trạng vô vọng về tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế eurozone vẫn suy thoái trong 6 quý liên tiếp. Quý đầu năm nay, nó tiếp tục co nhỏ  đi 1% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 12,2%, cao nhất kể từ khi Liên minh tiền tệ được thành lập năm 1999.

Trả lời các phóng viên sau cuộc họp về lãi suất tháng trước, Chủ tịch ECB Mario Draghi nói rằng, ECB đã “sẵn sàng hành động nếu cần”.

Song các nhà kinh tế và ngay cả các quan chức ngân hàng hàng đầu đểu chung nhận định: chỉ hạ lãi suất thôi thì không đủ. Lãi suất tái cấp vốn của ECB xác lập chi phí của các khoản cho vay của Ngân hàng Trung ương đối với các ngân hàng thương mại, qua đó tác động đến lãi suất cho vay ra nền kinh tế. Nhưng vấn đề là, lãi suất cơ bản thấp của ECB không được thẩm thấu qua các ngân hàng ở các nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính, như Tây Ban Nha và Italia. Các ngân hàng nơi đây vẫn có tỷ lệ nợ xấu cao do hậu quả của khủng hoảng tài chính và hiện bị các quy định mới ràng buộc tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu.

ECB hiện đang kiếm tìm một giải pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực. Để tìm được, có lẽ Ngân hàng phải tính đến các biện pháp ngoại lệ, chấp nhận rủi ro. Dưới đây là một số giải pháp mà ECB có thể sẽ xem xét:

Tăng tín dụng cho các ngân hàng: Khi các ngân hàng vay tiền của ECB, họ phải đặt sẵn tài sản thế chấp, thường là trái phiếu. Nhưng các khoản vay đó có thể nhỏ hơn nhiều giá trị của trái phiếu. Điều này đảm bảo cho ECB thu hồi được tiền, nhưng đồng nghĩa với tín dụng ít hơn cho các ngân hàng. Để cung cấp tài chính nhiều hơn cho các ngân hàng, ECB có thể nới lỏng tỷ lệ thế chấp.

Âm hóa lãi suất: Ông Draghi từng nói rằng, ECB đã thử phản ứng của các ngân hàng trong trường hợp áp dụng lãi suất tiền gửi tại ECB âm. Các ngân hàng đang gửi hàng nghìn tỷ euro tiền mặt tại ECB. Hồi tháng 12 năm ngoái, ECB vừa hạ lãi suất tiền gửi ở Ngân hàng về 0%, từ mức 0,25% của tháng 12 năm ngoái. Theo ông Draghi, lãi suất âm có thể sẽ được tính đến.

Một mức lãi suất âm có thể kích thích các ngân hàng cho vay ra, thay vì để tiền trong két. Tuy nhiên, một vài quan chức cấp cao của ECB và các nhà kinh tế nghi ngờ điều đó. Trước tiên bởi, lãi suất âm chỉ có thể ảnh hướng đến lợi nhuận của các ngân hàng khi họ tái gửi vào ECB. Và các ngân hàng có thể đơn giản là “pát-xê” các chi phí đó sang cho các khách hàng của họ, bằng cách nâng lãi suất cho vay, một điều ngược với mong muốn của ECB.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ: Để khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ, ECB đang bàn bạc với các quan chức châu Âu khác về khả năng dựng nên một định chế nhà nước đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay này, kiểu như Fannie Mae của Mỹ.

Các ngân hàng có thể gói các khoản cho vay doanh nghiệp nhỏ thành các trái phiếu giống như cách họ làm với tài sản thế chấp. Các trái phiếu này được bán lại cho các nhà đầu tư, những người ưa rủi ro. Và các ngân hàng có thể sử dụng tiền thu được từ việc bán trái phiếu đó để cho vay tiếp doanh nghiệp.

Cách thức để đẩy mạnh hoạt động này là thiết lập một thực thể nhà nước đứng ra bảo đảm cho các khoản tín dụng doanh nghiệp nhỏ. Nó giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư vào các trái phiếu nói trên.

ECB đang xem xét ý tưởng này, nhưng Ngân hàng không phải là thực thể đứng đằng sau các khoản vay. Thực thể đó có thể là Ngân hàng Đầu tư châu Âu, định chế được vận hành bởi Liên minh châu Âu và cũng đã bắt đầu cho vay doanh nghiệp nhỏ.

Nhìn về phía trước: Có một cách khác để ECB cổ vũ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người tiêu dùng chi tiêu và đầu tư nhiều hơn là đưa ra một thông điệp rõ ràng hơn về những gì mà Ngân hàng dự định làm trong dài hạn. Chẳng hạn, ECB có thể nói rằng, Ngân hàng có kế hoạch giữ lãi suất thấp trong một thời gian xác định nào đó - như Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn làm. Tất cả những gì mà ECB từng nói, cho đến nay, chỉ là sẽ duy trì lãi suất thấp “chừng nào cần thiết”.


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục