Bất ngờ Trung Quốc
Năm 2008, chỉ số SHI và HSI của TTCK TQ lần lượt mất 65,4% và 62,95%. So với Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản…, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TQ vẫn duy trì ở mức cao - 9%/năm. Các doanh nghiệp của TQ tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cũng chưa đến nỗi lâm vào tình cảnh phá sản như ở Mỹ hay châu Âu. Tuy nhiên, những diễn biến trên TTCK TQ lại ngược chiều với nền kinh tế. Vào tháng 4, tuần báo China Securities Journal đã trích báo cáo của Trung tâm Thông tin quốc gia cho rằng: "Sự sụt giảm của TTCK TQ là không theo xu hướng của các yếu tố cơ bản của nền kinh tế". Báo cáo này nêu ra chứng cứ từ lịch sử: "Các quốc gia tăng trưởng nhanh và đồng tiền tăng giá nhanh thường làm cho TTCK tăng trưởng. TQ thực sự đang ở trong giai đoạn phát triển. Vì vậy, sự sụt giảm của thị trường này phải dừng lại". Báo cáo này được đưa ra tại thời điểm TTCK TQ đã sụt giảm 41,2% so với đầu năm 2008.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng từ Mỹ sang châu Âu… thì nhiều nhà đầu tư vẫn nghĩ TQ sẽ miễn nhiễm và là địa điểm trú ẩn đầu tư an toàn nếu cuộc khủng hoảng lan rộng. Dù TQ phải chật vật với lạm phát cao (CPI vào tháng 3 là 8,7%/năm) nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tin rằng, TQ sẽ nhanh chóng vượt qua. Nhà đầu tư George Soros thậm chí còn vẽ ra kịch bản thế giới sẽ tháo chạy khỏi đồng USD khi Mỹ rơi vào suy thoái và dòng vốn sẽ tìm đến thị trường TQ. Nhưng thực tế hiện nay đã đi ngược với những dự báo. TQ trở thành một trong những thị trường tệ hại nhất thế giới và tệ nhất trong số các thị trường lớn. Một quốc gia đang vật lộn với khủng hoảng như Mỹ lại có mức sụt giảm ít hơn nhiều. Chỉ số Dow Jones giảm 35%, S&P500 và Nasdaq giảm gần 40%, thấp hơn so với sự sụt giảm của TTCK Việt Nam, TQ, Singapore... TQ và Việt Nam liên tục thay nhau vị trí "thị trường tệ hại nhất khu vực châu Á" trong năm 2008.
Tuy nhiên, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu xem TTCK là thước đo của các kỳ vọng tương lai, chứ không phải là thông tin quá khứ. TTCK TQ đã tăng nhanh để phản ánh kỳ vọng về một tương lại hưng thịnh của nước này. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến cho xuất khẩu của TQ bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo sự suy giảm của nền kinh tế (đây cũng là mô thức chung cho sự phát triển kinh tế của các nước châu Á). Xuất khẩu của TQ giảm 2,2% trong tháng 11 sau khi tăng 19,2% vào tháng 10, chấm dứt quá trình tăng trưởng xuất khẩu hai con số trong 7 năm liền. Chưa hết, tăng trưởng sản lượng công nghiệp tháng 11 giảm xuống còn 5,4% so với 8,2% của tháng 10. Theo Ủy ban Quản lý ngoái hối - SAFE, dự trữ ngoại hối của TQ đã giảm xuống trong tháng 10 ít nhất 16 tỷ USD, mức giảm lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua.
Theo dự báo của Royal Bank of Scotland, tăng trưởng kinh tế của TQ năm 2009 sẽ chỉ đạt 5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ đề ra là 8%/năm. Đối với các nước như Việt Nam, TQ hay Ấn Độ…, tăng trưởng 5 - 6% cũng đồng nghĩa đã lâm vào suy thoái, chứ không phải chỉ tăng trưởng âm mới là suy thoái. Marc Faber, nhà xuất bản báo cáo "Gloom, Boom và Doom" nói rằng: "Nền kinh tế TQ cũng sẽ rơi vào suy thoái, thậm chí chính phủ không báo cáo những con số suy thoái". Chính điều này đã tạo nên kỳ vọng ảm đạm cho TTCK TQ. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, lợi nhuận của các doanh nghiệp TQ sẽ giảm nhanh vào năm tới.
Cứu chứng khoán chỉ là vô ích
Vào tháng 4/2008, chính quyền TQ đã có hàng loạt biện pháp như cắt giảm thuế, hạn chế giao dịch, chi trả cổ tức… nhằm vực dậy TTCK. Tuy nhiên, các quyết sách này không những không mang lại hiệu quả mà thậm chí còn gây ra tác động ngược.
Trong một cố gắng để hỗ trợ thị trường đang sụt giảm và tặng thưởng những người mua chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán TQ - CSRC đã đưa ra giải pháp: Các công ty đang niêm yết muốn nhận được tài trợ từ phía chính phủ phải chi trả ít nhất 30% thu nhập thông qua con đường cổ tức. Theo tờ China Daily, "quy tắc mới… tất nhiên sẽ cải thiện môi trường đầu tư dài hạn. Nó sẽ khiến các công ty niêm yết dừng tăng vốn một cách vô độ từ thị trường nếu không đem đến phần thưởng xứng đáng cho các nhà đầu tư". Nhưng China Daily và chính quyền TQ đã không nhận ra mối quan hệ quan trọng giữa tăng trưởng và tỷ lệ chi trả cổ tức. Các doanh nghiệp TQ hầu hết đang tăng trưởng hơn 10%/năm. Các công ty này thường mở rộng hoạt động kinh doanh mà ít hoặc không trả cổ tức nhằm đưa thu nhập trở lại nhà máy và các phát minh mới. Cổ tức là một tín hiệu của sự bão hòa và không nên được chào đón. Và trên thực tế, chỉ số SHI sụt giảm cho đến mốc 3.000 điểm vào giữa tháng 4.
Đây là một bài học cho thấy, việc dùng cổ tức để cứu chứng khoán không phải là một giải pháp đúng. Trong khi TTCK suy giảm do sự yếu đi của các yếu tố cơ bản thì việc chi trả cổ tức không thể làm thay đổi kỳ vọng của các nhà đầu tư. Thực tế của Việt Nam trong thời gian qua cũng như vậy, nhiều công ty chi trả cổ tức cao nhằm cứu giá chứng khoán nhưng điều đó đã không mang lại hiệu quả như ý muốn, mà còn làm tệ hại hơn tình hình.
Việc cắt giảm thuế mà chính quyền TQ sử dụng xem ra chỉ có hiệu quả tức thời, chứ không cứu vãn được tình hình. Bộ Tài chính TQ và Ủy ban Thuế nhà nước đã thông báo chính sách miễn thuế cho TTCK. Việc miễn thuế này bao trùm tất cả các thu nhập từ chứng khoán như lãi vay, cổ tức, lãi vốn từ đầu tư. Bên cạnh đó, TQ cũng tiến hành giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhiều công ty nội địa và không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lợi nhuận từ đầu tư vào chứng khoán. Vào ngày 24/4, Bộ Tài chính và Ủy ban Thuế nhà nước đã quyết định giảm thuế đối với giao dịch chứng khoán từ 0,3% xuống còn 0,1%. Chính điều này đã khiến chỉ số SHI tăng 9,3%, nhưng ngay sau đó lại giảm mạnh và đóng cửa dưới mốc 2.000 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2006.
Điều này cũng xảy ra tương tự vào giữa tháng 9, chỉ số SHI đã tăng 9,46% ngay sau khi chính quyền TQ thông báo rằng, thuế tem đối với việc mua chứng khoán sẽ được hủy bỏ bắt đầu từ ngày 19/9, trong khi mức thuế 0,1% đánh vào hoạt động bán cổ phiếu vẫn được duy trì. Nhưng sau đó, thành quả này nhanh chóng bị xoá sạch. Vào giữa tháng 10, chỉ số SHI chỉ dao động quanh mức 1.800 điểm.
Cũng trong tháng 4, TQ đưa ra các biện pháp nhằm khống chế giao dịch khi TTCK sụt giảm. CSRC đưa ra quy định mới về giao dịch cổ phiếu, theo đó các cổ đông muốn bán một số lớn cổ phiếu đã hết thời gian bị giới hạn bán (look-up period), phải thực hiện thông qua "hệ thống giao dịch block", chứ không thực hiện qua hai sàn giao dịch chứng khoán. Quy tắc này được áp dụng bất cứ khi nào hơn 1% tổng số cổ phiếu của công ty niêm yết được bán trong vòng 1 tháng. Chứng khoán TQ đã tăng nhẹ ngay sau khi quy định này được công bố, vì giới đầu tư kỳ vọng sẽ làm giảm giao dịch các cổ phiếu được quyền giao dịch sau khi hết thời hạn khống chế (ví dụ như cổ phiếu của các cổ đông sáng lập, cổ phiếu cam kết nắm giữ của các cổ đông chiến lược, cổ phiếu không được giao dịch của nhà nước đã hoàn tất chuyển đổi thành cổ phần thường được giao dịch…). Tuy nhiên, TTCK lại sụt giảm khi các nhà đầu tư đã nhanh chóng nhận ra rằng, chính sách này quá khó để thực hiện.
Thất bại này khiến TQ gặp khó khăn hơn trong việc giới hạn nguồn cung chứng khoán. Theo hãng tin Bloomberg, khoảng 539 tỷ USD chứng khoán sẽ được bán bởi các nhà đầu tư chứng khoán trong năm tới khi các hạn chế của chúng sẽ kết thúc vào năm 2009. Số lượng cổ phần này tương đương gần bằng 1/4 tổng giá trị chứng khoán nội tệ đang được giao dịch. Từ năm 2005, TQ đã bắt đầu chuyển đổi trên toàn quốc các chứng khoán không được giao dịch do nhà nước nắm giữ thành cổ phần thường.
Kích cầu kinh tế, tín hiệu vui cuối năm
Khi những chính sách hỗ trợ cho TTCK không còn hiệu quả, TQ đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD. Đây là một yếu tố khá bất ngờ vì trước đó nhiều người nghĩ rằng, TQ cần ứng cứu chứng khoán giống như gói 700 tỷ USD của Mỹ. Nhưng những thông tin công bố chi tiết cho thấy, TQ đang hướng đến việc duy trì và kích thích tăng trưởng kinh tế hơn là cứu chứng khoán. Kế hoạch chi tiêu này cho thấy sự thay đổi trong chiến lược của TQ. Cuối năm 2007, TQ xác định sẽ sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt kết hợp với chính sách tài khoá vừa phải để kiềm chế lạm phát. Nhưng kế hoạch công bố vào ngày 9/11/2008 lại cho thấy, TQ đang chuyển sang sử dụng chính sách tài khóa "năng động" cùng với chính sách tiền tệ "năng động vừa phải" để giải quyết tác động từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Kế hoạch kích cầu này xem ra có hiệu quả hơn giải pháp kích cầu chứng khoán vào tháng 4. Cho đến cuối tháng 12, chỉ số CSI 300 đã tăng 15% từ mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua vào ngày 4/11. Mặc dù nhiều người cho rằng, TQ khó thoát khỏi suy thoái dù đưa ra các giải pháp này nhưng ít nhiều gói kích thích kinh tế đã tạo nên sự phục hồi của TTCK. Các nhà đầu tư lớn trên các thị trường mới nổi cho rằng, TQ là sự lựa chọn lớn nhất cho năm 2009. Theo Bloomberg, các nhà đầu này có 63 tỷ USD chứng khoán của các thị trường mới nổi đã đặt 15% quỹ của họ vào TQ hơn là Brazil, Đài Loan hay Hàn Quốc.
Trong khi chỉ số MSCI China đã mất 53% trong năm 2008, Merrill Lynch &Co vẫn cho rằng, kế hoạch chi tiêu 4.000 tỷ NDT của TQ cho cầu đường, nhà xưởng và giảm thuế sẽ giúp thị trường này trở thành thị trường tốt nhất trong năm tới. Công ty tư vấn chuyên nghiên cứu về dòng vốn đầu tư EPFR tại Cambridge, Massachusetts cũng xác nhận: Các quỹ hỗ tương đã đầu tư ròng vào TQ 1,2 tỷ USD trong vòng 2 tháng qua, so với mức 25 triệu USD của Brazil. Chính lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ (1.900 tỷ USD) cộng với tỷ lệ tiết kiệm cao (khoảng 50% GDP) của dân chúng là lý do mà họ tin rằng, TQ sẽ có nhiều tiền hơn các nước khác để chi cho nền kinh tế.