Trước khi tòa tuyên án, Cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình thừa nhận những sai phạm và làm sai chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, bị cáo Bình cho rằng, đó là vì lợi ích chung chứ không bất kỳ vì vụ lợi các nhân nào khác.
Theo Hội đồng xét xử, các bị cáo trong vụ án đều là người có chức quyền, được giao quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, tài sản của Tập đoàn Vinashin và các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn. Song họ không tuân thủ pháp luật, đưa hàng ngàn tỷ đồng vốn của Nhà nước vào các công trình trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, để lại dư luận xấu và bất bình và tác động đến đời sống của hàng chục người lao động.
Ngoài thiệt hại về tiền, tài sản của Nhà nước với giá trị đặc biệt lớn, hành vi phạm tội của các bị can còn làm đình trệ sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư nước ngoài đối với ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Theo Hội đồng xét xử, ở phiên xử sơ thẩm, cơ bản các bị cáo khai nhận phù hợp lời khai người làm chứng và hồ sơ công khai tại tòa nên có đủ căn cứ xác định các bị cáo trên vi phạm về trình tự thủ tục việc đầu tư gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Riêng bị cáo Phạm Thanh Bình có nhiều tình tiết được giảm nhẹ song bị cáo là người đứng đầu Tập đoàn, vi phạm ở mức độ nghiêm trọng nên cần xử phạt với mức cao nhất.
Còn bị cáo Trịnh Thị Hậu, mặc dù không thừa nhận các hành vi vi phạm pháp luật, các luật sư đều cho rằng thân chủ của mình đều vô tội song điều này không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Vì lẽ đó, TAND Hải Phòng lần lượt tuyên Phạm Thanh Bình (59 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin 20 năm tù.
- Trần Quang Vũ (54 tuổi), nguyên Tổng giám đốc Vinashin, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Triệu, 11 năm tù.
- Trần Văn Liêm (57 tuổi), nguyên Trưởng ban Kiểm soát Vinashin, nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương, 19 năm tù.
- Trịnh Thị Hậu (48 tuổi), nguyên tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy, 14 năm tù.
- Hoàng Gia Hiệp (40 tuổi), nguyên phó tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên CNTT, giám đốc Công ty cho thuê tài chính CNTT, 13 năm tù.
- Nguyễn Văn Tuyên (50 tuổi), nguyên giám đốc CTCP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh, 16 năm tù.
- Tô Nghiêm (53 tuổi), nguyên chủ tịch Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân, Tổng giám đốc CTC Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà (Quảng Ninh), 18 năm tù.
- Đỗ Đình Côn (50 tuổi), nguyên kế toán trưởng, phó tổng giám đốc CTCP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh, 10 năm tù.
- Nguyễn Tuấn Dương (46 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Cửu Long, 3 năm tù
Trước đó, sáng cùng ngày, đại diện Viện KSND đối đáp với các luật sư. Theo đại diện Viện KSND, dự án tàu Hoa Sen là dự án hoàn toàn trái với luật pháp. Bản thân dự án này không được đưa ra bàn trong Hội đồng quản trị. Khi có chỉ đạo của Thủ tướng, bị cáo không truyền đạt đến cấp dưới của mình. Dự án Sông Hồng cũng là dự án trái luật vì không nằm trong quy hoạch của ngành điện. Theo các luật sư bào chữa cho các bị cáo có liên quan, dự án này không thiệt hại. Tuy nhiên theo Viện KSND tính toán đến nay số tiền đầu tư vào giải phóng mặt bằng hơn 20 tỷ đồng khó có thể thu hồi lại được cho nhà nước. Các máy móc nhập khẩu về có một số giả mạo giấy tờ cũng nằm trong kho. Với các dự án như Diezel Cái Lân, Bạch Đằng Giang cũng lần lượt được cơ quan công tố phân tích những việc làm sai trái của các bị cáo.
Tại phiên tòa, phần lớn các luật sư đều cho rằng thân chủ của mình vô tội và đặt vấn đề về tính chính xác của những con số thiệt hại trong các vụ việc. Tuy nhiên, đại diện cơ quan công tố khẳng định việc truy tố các bị cáo ở đây là không oan sai và sẽ chịu trách nhiệm nếu truy tố không đúng tội.
Đáng chú ý, đại diện Viện KSND cho rằng đây mới chỉ là phần nổi của vụ án, còn nhiều vấn đề liên quan đến nhóm tội tham nhũng đang được cơ quan an ninh điều tra làm rõ và sẽ có ngày những người có hành vi tham nhũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.