Cựu chủ tịch nghị viện Catalonia Carme Forcadell cùng 5 cựu nghị sĩ ngày 9/11 trình diện tòa án tối cao Tây Ban Nha với các cáo buộc nổi loạn, xúi giục nổi loạn và sử dụng công quỹ sai mục đích. Họ có thể phải lĩnh án tối đa 30 năm tù nếu bị kết tội.
Bà Forcadell bị tòa án phát lệnh bắt với phí tại ngoại là 150.000 euro (hơn 170.000 USD), AFP dẫn lời người phát ngôn tòa án tối cao Tây Ban Nha nói ngày 9/11.
Các nghị sĩ trên bị nghi theo đuổi "chiến lược có tính toán nhằm tuyên bố độc lập" trước khi nghị viện Catalonia thông qua nghị quyết tuyên bố độc lập hôm 27/10, làm trầm trọng thêm cuộc khủng khoảng chính trị lớn nhất tại Tây Ban Nha trong hàng chục năm qua. Madrid ngay sau đó tuyên bố tước quyền lực của chính quyền Catalonia.
Theo phán quyết từ thẩm phán tòa án tối cao Pablo Llarena, một nghị sĩ Catalonia được thả, 4 người còn lại phải trả phí tại ngoại 25.000 euro trong vòng một tuần nếu không muốn bị giam.
Cuộc khủng hoảng Catalonia đã khiến hàng trăm doanh nghiệp phải đăng ký lại ngoài vùng tự trị này. Ngày 8/11, một cuộc tổng đình công do một liên đoàn ủng hộ độc lập tại Catalonia lan rộng, gây hỗn loạn đi lại, làm gián đoạn tuyến đường cao tốc chính của Tây Ban Nha đi Pháp, cản trở các đoàn tàu từ Barcelona đi Paris, Marseille và Lyon. Nhà chức trách cho biết có khoảng 150.000 người bị ảnh hưởng.
90% số cử tri Catalonia đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 đồng ý tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha. Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont sau đó tuyên bố độc lập nhưng hoãn thi hành để đàm phán với Madrid. Tây Ban Nha cho rằng cuộc trưng cầu vi hiến.
Ông Puigdemont, 54 tuổi, phớt lờ lệnh triệu tập của một thẩm phán ở Madrid. Cựu lãnh đạo Catalonia nói ông muốn được đảm bảo xét xử công bằng. Ông đang ở Bỉ. Trong thư gửi tới nhật báo El Punt Avui ngày 9/11, ông Puigdemont kêu gọi "trả tự do cho các tù nhân chính trị bị Tây Ban Nha giam giữ".
Tuy nhiên, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng những quan chức bị giam không được coi là "tù nhân chính trị... bởi họ bị cáo buộc có hành động cấu thành tội hình sự".