Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt

Điều tra sai phạm trong hoạt động ngân hàng tại BIDV, cơ quan điều tra khởi tố ông Trần Bắc Hà cùng ba thuộc cấp.
Ông Trần Bắc Hà khi còn làm lãnh đạo ngân hàng BIDV. Ảnh: TTXVN. Ông Trần Bắc Hà khi còn làm lãnh đạo ngân hàng BIDV. Ảnh: TTXVN.

Ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét với ông Trần Bắc Hà (61 tuổi, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV), Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh).

Bốn người bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015. Duy nhất bà Vân Anh được tại ngoại, những người còn bị tạm giam. 

Bảy ngày trước, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án theo điều 206 để điều tra về các sai phạm tại BIDV. 

Cuối tháng 6, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật khai trừ Đảng với ông Trần Bắc Hà do làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV; gây bức xúc trong xã hội.

Theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, cựu Chủ tịch BIDV đã vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ. Trong số này có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng với 12 công ty liên quan vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB)...

Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt ảnh 1

Đồ hoạ. Tạ Lư-Bá Đô. 

Sai phạm bị cáo buộc trong đại án Phạm Công Danh

Nhà chức trách xác định để có tiền tăng vốn điều lệ, tháng 5/2013, ông Danh và cấp dưới tìm gặp hai phó tổng giám đốc BIDV là Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang để vay tiền.

Chủ tịch VNCB sử dụng 12 pháp nhân công ty do mình lập ra song lấy lý do "có 12 doanh nghiệp là khách hàng của VNCB muốn vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng". VNCB trong thời gian tái cơ cấu không có khả năng cho vay nên ông giới thiệu sang BIDV.

Khi ông Danh cam kết đảm bảo các khoản vay bằng tiền của VNCB gửi tại ngân hàng này, lãnh đạo BIDV duyệt chủ trương cho vay. Ông Danh sau đó chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn.

Ngày 3/10/2013, ông Trần Bắc Hà ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng với 12 công ty, giao cho các chi nhánh giải ngân tổng cộng 4.700 tỷ đồng. 

Cơ quan điều tra xác định việc này gián tiếp giúp ông Danh rút tiền trái phép của VNCB, gây thiệt hại 2.550 tỷ đồng. Bởi các công ty khi nhận tiền đã chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản cá nhân trước khi chuyển lại VNCB hợp thức hóa việc mua cổ phần để tăng vốn của ngân hàng này.

Trong giai đoạn một điều tra đại án Phạm Công Danh, cơ quan điều tra xác định hành vi của Trần Bắc Hà và các lãnh đạo khác tại BIDV không gây thiệt hại cho ngân hàng. Theo cơ quan điều tra, không có tài liệu, chứng cứ, lời khai nào thể hiện ông Hà và những người liên quan biết các công ty do Danh thành lập, điều hành nên không có cơ sở xử lý hình sự.

Trong phiên xử ông Phạm Công Danh và đồng phạm hồi đầu năm, ông Hà được triệu tập với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Tuy nhiên, ông có đơn xin vắng mặt do phải sang Singapore điều trị bệnh.

Đại diện VKS ít nhất 3 lần đề nghị HĐXX triệu tập ông Hà và hai phó giám đốc của BIDV để làm rõ hành vi liên quan, tiếp tục điều ra công khai tại toà nhằm "tránh bỏ lọt tội". Do còn nhiều nội dung, tình tiết cần được làm rõ, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. 

Theo nguồn tin của VnExpress, sau khi sang Singapore phẫu thuật hồi đầu năm, ông Hà về nước rồi qua Lào sinh sống.

Ông Hà làm việc tại BIDV từ năm 1981, làm Chủ tịch HĐQT vào năm 2008, nghỉ hưu tháng 9/2016. Hơn 8 năm giữ chức chủ tịch ngân hàng, ông được xem là linh hồn và có nhiều ảnh hưởng của BIDV. Tuy nhiên, ông không ít lần đối mặt với tin đồn bị bắt. Hồi năm 2013, ba người tung tin này đã bị cơ quan chức năng phạt hành chính.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục