Theo cáo trạng, DongA Bank được thành lập năm 1992, vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm cổ đông sáng lập sở hữu 13,21% và cổ đông đại chúng là 86,79%.
Trong đó, nhóm gia đình ông Trần Phương Bình nắm giữ 10,24%; nhóm CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nắm 7,7%, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 nắm 12,73% và Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm 12,79%. Đến năm 2015, DongA Bank ghi nhận lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng. Tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Ở giai đoạn 2 của vụ án, cơ quan tố tụng làm rõ các sai phạm của ông Bình liên quan đến các khách hàng lớn, trong đó có nhóm CTCP M&C mà ông Bình muốn hướng tới dự án “đất vàng” ở TP.HCM là Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son do Bộ Quốc phòng quản lý.
Công ty M&C được thành lập năm 2001 do ông Phùng Ngọc Khánh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Công ty có quan hệ tín dụng với DongA Bank trong nhiều năm với số tiền 1.540 tỷ đồng. Năm 2011, Công ty M&C cần 500 tỷ đồng để đặt cọc hợp tác với chủ đầu tư dự án Sài Gòn - Ba Son, nên ông Khánh trao đổi với ông Bình để vay tiền.
Thời điểm đó, tuy Công ty M&C đang có dư nợ lớn, nhưng ông Bình vẫn xúc tiến các thủ tục để hợp tác vì cho rằng dự án này có khả năng đem lại nguồn lợi về kinh tế, vừa giúp khách hàng có tiền trả nợ, vừa giúp DongA Bank có nguồn tiền bù vào việc âm quỹ.
Theo đó, ông Bình lấy pháp nhân CTCP Xây dựng kỹ thuật Đông Á đứng tên vay 200 tỷ đồng và bà Cao Thị Ngọc Hồng (em vợ) vay cá nhân 50 tỷ đồng tại DongA Bank.
Số tiền này được chuyển khoản về CTCP Vốn An Bình (do bà Hồng làm Giám đốc). Theo chỉ đạo của ông Bình, bà Hồng chuyển khoản toàn bộ tiền cho Công ty M&C.
Do còn thiếu 250 tỷ đồng, sau khi thống nhất với ông Bình, ông Khánh đại diện Công ty M&C ký vay DongA Bank số tiền 270 tỷ đồng, mục đích hoàn lại tiền hợp tác đầu tư tháp văn phòng, căn hộ dự án Sài Gòn - Ba Son.
Tài sản đảm bảo là quyền khai thác kinh doanh 15.300 m2 tháp căn hộ 38 tầng của dự án (giá trị 318 tỷ đồng). DongA Bank đã giải ngân và 270 tỷ đồng này được sử dụng để thanh toán cho khoản vay 250 tỷ đồng trước đó.
Đặt nhiều kỳ vọng, nhưng trên thực tế, ông Bình bị “sa lầy” tại dự án này khi đến nay khoản vay 270 tỷ đồng không còn khả năng thu hồi. Tại cơ quan điều tra, ông Khánh thừa nhận việc lập và ký hồ sơ vay 270 tỷ đồng chỉ để giải quyết tình thế tài chính của Công ty M&C.
Còn theo xác minh, năm 2011, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Ba Son đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty M&C.
Tuy nhiên, dự án chưa có văn bản chấp thuận đầu tư, chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng.
Dự án Sài Gòn - Ba Son chưa có văn bản chấp thuận đầu tư, chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng.
Công ty M&C không chuyển đủ số tiền 500 tỷ đồng đặt cọc theo thỏa thuận, chưa thanh toán đủ 8.500 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Bộ Quốc phòng đã có quyết định chấm dứt việc hợp tác và chọn bán chỉ định dự án trên cho CTCP Đầu tư dịch vụ thương mại TP.HCM.
Ngoài ra, trong thời kỳ ông Bình giữ chức CEO, DongA Bank còn cho vay sai quy định với các khách hàng liên quan tới Công ty M&C như CTCP Tân Superdeck M&C, CTCP Đầu tư Khải Minh, Công ty TNHH An Bình…
Đảm bảo cho các khoản vay là tài sản thế chấp hình thành trong tương lai và quyền khai thác dự án Sài Gòn - Ba Son chưa đáp ứng điều kiện pháp lý, chưa công chứng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm, chưa có xác nhận của chủ đầu tư.
Hiện dự án trên do chủ đầu tư khác thực hiện. Công ty M&C và các công ty liên quan không có quyền tài sản với dự án, trái phiếu phát hành không có giá trị pháp lý, không còn tài sản đảm bảo khác, các công ty không còn hoạt động, không có doanh thu và khả năng trả nợ.
Cơ quan tố tụng xác định, với vi phạm trên, ông Bình và các bị can khác gây thiệt hại cho DongA Bank số tiền 3.949 tỷ đồng (nợ gốc là 1.675 tỷ đồng và 2.274 tỷ đồng tiền lãi).
Cơ quan điều tra cũng xác định, khoản tiền 250 tỷ đồng đặt cọc cho Công ty Ba Son là khoản tiền đầu tư trái pháp luật, cần thu hồi, song công ty này chưa thực hiện nên cần tiếp tục yêu cầu trả lại cho DongA Bank.