Cựu CEO của Apple nhăm nhe BlackBerry

(ĐTCK) Chỉ với tuyên bố “đang quan tâm”, vị cựu CEO của Apple đã khiến các tập đoàn muốn mua lại BlackBerry phải giật mình.
Cựu CEO của Apple nhăm nhe BlackBerry

Cựu CEO của Apple nhăm nhe BlackBerry ảnh 1

Công cuộc chạy đua tranh giành hãng điện thoại thông minh BlackBerry đang ngày càng trở nên gay cấn khi một nguồn tin mới nhất tiết lộ sự vào cuộc của ngài cựu CEO John Sculley của Tập đoàn quyền lực Apple. Hiện chưa rõ chi tiết, nhưng chỉ với tuyên bố “đang quan tâm”, vị cựu CEOnày đã khiến các tập đoàn muốn mua lại BlackBerry phải giật mình.

Vào tháng 9, Tập đoàn BlackBerry tuyên bố muốn nhượng lại Công ty sau một thời gian thua lỗ do sự yếu kém trong khâu đổi mới chất lượng sản phẩm và sự canh tranh khốc liệt trên thị trường điện thoại di động. Sau lời tuyên bố là sự xuất hiện của một loạt tên tuổi lớn trên thế giới như Lenovo, Cisco, Google… có ý định mua lại Tập đoàn.

Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có nhóm nhà đầu tư do Tập đoàn tài chính của Canada Fairfax Financial Holdings Ltd dẫn đầu công bố đưa ra lời đề nghị thu mua BlackBerry với giá 4,7 tỷ USD, tương đương 9 USD/CP. BlackBerry và Fairfax đã ký kết hiệp ước thỏa thuận ban đầu, theo đó, BlackBerry sẽ có thời hạn 6 tuần để chờ đợi những cái bắt tay mới trước khi cả hai đi đến những điều khoản cuối cùng. Sau 6 tuần, liệu John Sculley có giành được BlackBerry từ tay Fairfax hay không và ông Sculley sẽ làm những gì để cứu vớt BlackBerry là 2 câu hỏi đang được nhiều người quan tâm nhất.

Phát biểu về ý định mua lại BlackBerry, ông Sculley tỏ vẻ bình tĩnh, không phủ nhận mà cũng không đồng tình: “Tôi vốn là một người hâm mộ và khách hàng lâu năm của BlackBerry”.

Sự hiện diện của Sculley trong đội ngũ điều hành BlackBerry được kỳ vọng là chìa khóa mở ra cánh cửa hy vọng cho tương lai của Blackberry cũng như toàn bộ nhân viên Công ty.

“Tại thời điểm này, bất cứ ai nắm quyền kiểm soát BlackBerry cần phải là người dày dặn kinh nghiệm quản lý. Hoạch định chiến lược và có đội ngũ sáng tạo viên là những gì người đó cần đối với BlackBerry”, ông Sculley nói.

Sự góp mặt của CEO kỳ cựu John Sculley trong cuộc canh tranh BlackBerry lôi kéo sự chú ý của đông đảo giới chuyên môn, vì hơn ai hết, họ hiểu rằng, John Sculley chính là người từng làm mưa làm gió ở Pepsico trước khi chính thức gia nhập Apple năm 1983. Tiếng tăm của ông Sculley thật sự được biết đến và vang xa với chiến dịch đình đám “Thử thách cùng Pepsi” - sự kiện “giành giật” thị phần lớn cũng như khối lượng khách hàng trung thành từ công ty đối thủ Coca-Cola.

Cụ thể, John Sculley đã tung ra những bài kiểm tra thăm dò mùi vị đồ uống Pepsi trong khách hàng, đồng thời phát sóng hàng loạt video quảng cáo trên truyền hình lần đầu tiên vào đầu những năm 1970. Đặc biệt thời gian đó, ông ưu tiên chú trọng đến những thị trường xa xôi - nơi độ phủ sóng của Pepsi còn mỏng và yếu như Texas nhằm quảng cáo thương hiệu Pepsi đi khắp nước Mỹ. Sự thành công vang dội của chiến dịch để lại dấu ấn mạnh mẽ trong ngành công nghiệp nước Mỹ, khiến người trong cuộc không ngừng ca tụng John Sculley như là một “nhà cách mạng tài ba”, người nâng tầm Pepsi lên đỉnh cao mới.

Tài năng, tầm nhìn chiến lược của Sculley chính là chiếc cầu nối đưa ông đến với Apple khi ban lãnh đạo Apple nhìn thấy ở ông kỹ năng và kinh nghiệm của một nhà lãnh đạo, đặc biệt ở mảng quảng cáo truyền thông nhằm áp dụng cho dòng máy tính cá nhân của Tập đoàn. Mặc dù danh tiếng toàn cầu của Steve Jobs làm lu mờ sự hiện diện của John Sculley, song dưới sự điều hành của Sculley trong 10 năm, Tập đoàn thu về kết quả khả quan khi doanh thu sản phẩm của Công ty gia tăng từ chỉ 800 triệu USD cho đến 8 tỷ USD.

Gây tranh cãi nhiều nhất trong nhiệm kỳ làm việc của John Sculley ở Apple là sự đụng độ với Steve Jobs về mặt quan điểm, chiến lược, cấu trúc hoạt động của Công ty. Một số người cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ quyết định của ông Sculley trong việc cạnh tranh với IBM đối với dòng máy tính cá nhân. Trái lại, một số khác nghiêng về sự khác biệt trong cung cách quản lý và mức độ ưu tiên của cả hai. Cụ thể, ông Jobs ưa thích tính sáng tạo, đổi mới trong cốt lõi sản phẩm, trong khi John Sculley hướng đến tập trung vào dòng sản phẩm hiện có và lợi nhuận nhiều hơn.

Mặc dù đến năm 1992, khi Apple vượt qua IBM trở thành nhà cung cấp máy tính cá nhân lớn nhất thế giới và thu về lợi nhuận khổng lồ, ông Sculley bị ép phải từ chức giám đốc điều hành và ra khỏi Công ty. Lý do vì ông đã phản đối việc cấp bằng sáng chế cho phần mềm Macintosh và bàn bạc với Goldman-Sachs về chuyện tách Apple ra thành hai công ty khác nhau. Dẫu vậy, sau 10 năm lãnh đạo Apple, ông Sculley cũng không ngần ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ và khen ngợi Steve Jobs, rằng Steve là CEO tuyệt vời nhất mọi thời đại.

“Anh ta tích lũy nhiều kinh nghiệm quý giá từ những lần ‘bị cô lập’ trong đấu tranh quan điểm ở Apple”, John Sculley nói.

Kể từ khi rời khỏi Apple, John Sculley vẫn phát huy tài năng ở nhiều công việc kinh doanh khác nhau, từ đồng sáng lập đến đầu trực tiếp như MetroPCS, Live Picture , PopTech , Wine Clip… Và giờ đây, tương lai của BlackBerry có thể sẽ tươi sáng trở lại nếu nó thuộc về ông.

Hồng Tuyết
Hồng Tuyết

Tin cùng chuyên mục