“Cưỡi sóng” M&A

(ĐTCK) “Trong chuyến đi từ Hà Nội vào TP. HCM mới đây, tôi có dịp ngồi cạnh một đối tác, họ chia sẻ rằng, trong năm vừa qua họ vô cùng bận rộn với các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Một số đối tác khác của tôi cũng có chung nhận định này. Những nhận định trên đã phản ánh một thực tế là hoạt động M&A đang tăng lên ngày càng mạnh và đều là các thương vụ rất có giá trị”.
Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông, Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lượng mạnh tỷ lệ sở hữu tại các DNNN, để mở rộng cửa cho các nhà đầu tư

Ông John Ditty, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam bình luận về triển vọng các dòng vốn mới và cơ hội cho sự bùng nổ hoạt động M&A.

Theo ông John Ditty, 6 tháng đầu năm 2015, số lượng các thương vụ M&A đã bằng 75% các giao dịch năm ngoái và có thể từ giờ đến cuối năm, số vụ giao dịch M&A còn tăng mạnh hơn.

Các nhà đầu tư cho rằng, sự thay đổi của chính sách đang tạo nhiều niềm tin hơn cho các nhà đầu tư, giúp hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài an toàn và bền vững hơn. Tất cả những thay đổi mới đây trong các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều nhằm tạo sự ổn định trong môi trường đầu tư.

“Những lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng sẽ là lĩnh vực hấp dẫn nhất. Rất nhiều thương vụ đầu tư liên quan đến lĩnh vực này đã được thực hiện trong thời gian qua. Nói chung, không khí M&A rất lạc quan. Không phải là bắt đầu bùng nổ mà chúng ta thực sự đang cưỡi trên một ngọn sóng M&A”, ông John Ditty nhìn nhận.

Nói về tiềm năng của những dòng vốn mới cũng như đánh giá của ông John Ditty, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Recof Corporation nói rằng, rất nhiều nhà đầu tư từ nhiều khu vực đang quan tâm đến thị trường tiêu dùng và người tiêu dùng Việt Nam. Trong khu vực bán lẻ, không chỉ là hoạt động của Tập đoàn bán lẻ AEON mở rộng và phát triển tại thị trường Việt Nam, nhiều hoạt động đầu tư khác đang tập trung vào thị trường bán lẻ, chẳng hạn như việc hợp tác với các siêu thị Việt Nam để cung cấp hàng hóa của các công ty nước ngoài vào bán trong hệ thống này.

“Những tên tuổi lớn về bán lẻ của Nhật Bản đang hướng vào thị trường Việt Nam. Tôi cho rằng, từ khóa của năm nay và năm sau về làn sóng M&A đều liên quan đến ngành hàng tiêu dùng”, ông Masataka “Sam” Yoshida nói và cho biết, năm ngoái số giao dịch M&A giữa các đối tác Việt Nam và Nhật Bản là 15 thương vụ, còn năm nay có thể sẽ tăng lên 30 thương vụ.

Thực tế, các nhà đầu tư Nhật Bản đã rất quan tâm đến sự chuyển đổi mạnh mẽ từ chính sách của các cơ quan chức năng từ những năm trước, nhưng năm nay kỳ vọng này còn tăng lên nhiều hơn.

Làn sóng M&A không chỉ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hàng tiêu dùng trong nhóm 1 nhóm 2 của thị trường, mà còn đang mở rộng ra cho cả những doanh nghiệp nằm trong nhóm 3 hay nhóm 4.

“Thời gian trước đây, đa số các công ty Nhật Bản đến thị trường Việt Nam tìm cơ hội đầu tư chỉ nhắm đến các công ty nằm trong nhóm thứ 1 hay thứ 2 trong ngành tiêu dùng, chứ không nhắm đến các công ty nhóm 3 nhóm 4. Nhưng bây giờ đã có sự thay đổi những công ty trong ngành hàng tiêu dùng thuộc các nhóm sau đã bắt đầu phát triển và các nhà đầu tư cũng được khuyến khích để đầu tư vào các công ty vừa nhỏ”, ông Masataka “Sam” Yoshida cho biết.

Tất nhiên, ngoài lĩnh vực hàng tiêu dùng đã dậy sóng mua bán, sáp nhập trong thời gian qua, nhiều lĩnh vực khác như ngân hàng hay bất động sản cũng đã và đang “cưỡi sóng”. Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc điều hành Quỹ Jen Capital nói rằng, sự tăng trưởng nhu cầu nhà ở của tầng lớp trung lưu hay của giới trẻ và những thay đổi về chính sách mua nhà đối với người nước ngoài cũng tạo ra nhiều đợt sóng cho lĩnh vực này.

“Chúng tôi đang có các quỹ để tập trung phát triển vào những đề án này”, ông Trân nói và nhận định, những thay đổi mang tính cởi mở hơn về các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà cũng thúc đẩy nhu cầu không chỉ bất động sản mà còn nhiều lĩnh vực khác. Và quan trọng hơn, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định nhờ những thay đổi về chính sách này, chứ không phải phát triển trồi sụt như thời gian qua.

Bên cạnh đó, theo ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt, kế hoạch IPO các doanh nghiệp nhà nước đã được thông qua cũng là cơ sở cho các thương vụ M&A tiếp tục phát triển mạnh. Theo kế hoạch, thời gian tới có khoảng 280 doanh nghiệp nhà nước  được cổ phần hóa và khoảng hơn 100 doanh nghiệp nhà nước khác vừa được bổ sung vào danh sách này sẽ tạo ra một lượng hàng lớn cho thị trường. Ngoài ra, thị trường này cũng sôi động bởi quyết định cho phép chuyển đổi một số bệnh viện và các cơ sở đào tạo Nhà nước thành công ty cổ phần.

“Chẳng hạn như Bệnh viện Giao thông-Vận tải khi tiến hành cổ phần hóa đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm”, ông Hòa cho biết. Tuy nhiên, thách thức của câu chuyện này, theo ông Hòa là quy định doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi mô hình hoạt động khi có quyết định cổ phần hóa trong vòng 3 tháng. Đây là một khối lượng công việc lớn và khá khó khăn cho các doanh nghiệp, vì để các thương vụ M&A hoàn tất thường phải kéo dài 6 tháng tới 1 năm.

Chia sẻ tại phiên thảo luận thứ hai trong Diễn đàn M&A Việt Nam 2015 với chủ đề Triển vọng các dòng vốn mới và cơ hội cho sự bùng nổ hoạt động M&A, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét và sửa đổi lại Quyết định 37 quy định tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trong lĩnh vực chi phối theo hướng mở rộng hơn nữa tỷ lệ bán ra cho thị trường. Thực tế, trước đây cũng có những quan ngại việc mở cửa  một số lĩnh vực  công, chẳng hạn  lĩnh vực cung cấp nước sạch. Nhưng thực tế ở nhiều nơi, sau khi cổ phần hóa dịch vụ cung cấp nước cho người dân, hoạt động này còn tốt hơn mà giá thành cũng không tăng.

“Chính vì vậy, sẽ có nhiều ngành hàng mở ra để bán cổ phần cho nhà đầu tư mà Nhà nước không chi phối nữa”, ông Đông nói.

“Chờ đón sự bùng nổ”

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư
 
Năm 2015 là năm thứ 7 Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM tổ chức Diễn đàn thường niên M&A dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong 6 năm qua, với sự tham dự của hàng trăm diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về M&A của Việt Nam và quốc tế, gần 3.000 lãnh đạo DN, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, Diễn đàn M&A Việt Nam đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng kết nối hoạt động mua bán, sáp nhập DN, góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý và chính sách về đầu tư theo hình thức M&A, cũng như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về một thị trường M&A còn mới mẻ, nhưng đang trên đà phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Năm 2015, Ban tổ chức quyết định chọn chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ” nhằm phân tích, đánh giá về xu hướng, triển vọng của thị trường M&A với các thương vụ mới. Chủ đề này được xác định trên cơ sở Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị bước vào một chu kỳ phát triển mới với những nhiệm vụ, mục tiêu mới to lớn hơn.

Hoạt động M&A đang đứng trước những cơ hội được mở ra từ việc nâng cao tốc độ tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH đất nước dựa trên cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới qua việc ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn, cũng như việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục