Cuối năm, Quốc hội tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm

(ĐTCK) Vào kỳ họp thứ 8 diễn ra vào cuối  năm nay, Quốc hội sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Người có quá nửa số phiếu “tín nhiệm thấp” có thể từ chức.

Một nhiệm kỳ, một lần

Đây là thông tin từ tờ trình về Dự thảo Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội sáng nay.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 5, diễn ra tháng 5 – 6/2013, lần đầu tiên Quốc hội đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người giữ chức vụ do Quốc hội  bầu hoặc phê chuẩn.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm: số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên có 18 người, bằng 38,3%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm” đạt từ 50% trở lên có 29 người, bằng 61,7%; số người có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” từ 50% trở lên: không có người nào.

Ngoài ra, ở HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, do đó còn một số vấn đề cần khắc phục. Ví dụ nhưu quy định về phạm vi, đối tượng, hình thức, thời gian, thời điểm, hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm còn có ý kiến khác nhau.

Một số vấn đề chưa rõ như việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; một số điểm về quy trình, thủ tục... cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung.

Về phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, có nhiều ý kiến đề xuất mở rộng đối tượng. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên phạm vi, đối tượng bởi một số đối tượng đề nghị bổ sung vào diện lấy phiếu tín nhiệm  như Chánh an TAND quận, huyện hay Viện trưởng Viện KSND quận huyện đã được lấy phiếu tín nhiệm trong quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đệ trình phương án lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ 3) mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ưu điểm của phương án này là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ. Đồng thời tạo được cơ chế giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm có thời gian, điều kiện để khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác.

Riêng đối với thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân 2011-2016, Quốc hội và Hội đồng nhân dân tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014.

1/2 phiếu tín nhiệm thấp có thể từ chức

Về mức đánh giá tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ đề nghị giữ nguyên 3 mức đánh giá “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.

Về hệ quả đối với người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”, nếu có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

Trường hợp có từ ½ đến 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo.

Người có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.

Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật cơ quan thẩm tra Dự thảo Nghị quyết cho rằng cần cân nhắc việc tổ chức quá nhiều lần biểu quyết về nhân sự trong cùng một kỳ họp. Theo quy định trên thì có thể gồm các lần biểu quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm người không được tín nhiệm, bầu hoặc phê chuẩn người mới.

Do đó, một số ý kiến này đề nghị cân nhắc phương án đơn giản bớt thủ tục đối với người có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp”. Không cần bỏ phiếu tín nhiệm mà chuyển ngay sang quy trình xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ đối với người đó.

Về báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm, Nghị quyết làm rõ các nội dung cần báo cáo cụ thể sau đây: (1) kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; phẩm chất đạo đức, lối sống; (2) hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân; (3) phương hướng khắc phục.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục