Cuối năm, cổ phần hoá sẽ hết "nghẽn"!

(ĐTCK-online) Nhiều "điểm nghẽn" trong cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là các quy định về bán cổ phần cho NĐT chiến lược, xác định giá trị đất đai, lợi thế vị trí địa lý..., đang được kỳ vọng tháo gỡ vào cuối năm nay.
Các quy định về bán cổ phần cho NĐT chiến lược, xác định giá trị đất đai, lợi thế vị trí địa lý..., đang được kỳ vọng tháo gỡ vào cuối năm nay - Ảnh: Hoài Nam

Trao đổi với ĐTCK, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đại diện Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần cho biết, dự thảo Nghị định đang được Bộ Tư pháp xem xét và theo kế hoạch sẽ được trình Chính phủ ban hành muộn nhất trong tháng 12 tới.

 

"Rộng cửa" cho NĐT chiến lược

Điểm mới của dự thảo Nghị định lần này khi quy định về giá bán cổ phần cho NĐT chiến lược, theo ông Tiến là: trường hợp bán cổ phần cho NĐT chiến lược sau khi đấu giá công khai, thì giá bán do Ban chỉ đạo CPH thoả thuận trực tiếp với các NĐT chiến lược, nhưng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai. Đối với trường hợp đấu thầu hạn chế, thì giá bán được xác định theo kết quả đấu thầu hạn chế giữa các NĐT chiến lược, nhưng không thấp hơn giá khởi điểm của cuộc đấu thầu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp thoả thuận trực tiếp trước khi thực hiện đấu giá công khai là giá thoả thuận giữa các bên, nhưng không thấp hơn giá khởi điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 109/2007/NĐ-CP, trên cơ sở kết quả xác định giá trị DN để CPH đã được cơ quan tư vấn xác định và ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố giá trị DN, kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá đối với các DN quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng, kinh doanh trong những lĩnh vực đặc thù, các công ty mẹ thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các DN khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo Nghị định, tuỳ quy mô vốn điều lệ, tính chất ngành nghề kinh doanh, Ban chỉ đạo CPH DN trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án CPH việc bán cổ phần lần đầu cho NĐT chiến lược và tiêu chí lựa chọn NĐT chiến lược. Riêng các DN quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng kinh doanh trong những ngành nghề đặc thù: bảo hiểm, ngân hàng, hàng không..., các công ty mẹ thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nếu nhất thiết phải chọn NĐT chiến lược trước, thì cơ quan quyết định CPH báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định tiêu chí lựa chọn NĐT chiến lược, phương thức bán và số lượng cổ phần bán.

 

Giá đất "bám" sát giá thị trường

Tinh thần xác định giá trị quyền sử dụng đất, cũng như giá trị lợi thế kinh doanh của DN theo giá thị trường, theo ông Tiến, tiếp tục được thể hiện trong dự thảo Nghị định lần này, nhưng điểm mới là quy định cụ thể hơn cách thức xác định như thế nào là giá thị trường. Để đạt mục tiêu này, dự thảo Nghị định nhấn mạnh vai trò của UBND cấp tỉnh, bởi hơn ai hết, họ là chủ thể nắm rõ nhất thực trạng quy hoạch đất đai trên địa bàn, cũng như tình hình sử dụng đất thực tế của các DN.

Cụ thể, nếu DN CPH chọn hình thức giao đất, thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN, theo giá đất được UBND cấp tỉnh quy định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường. Nếu chọn hình thức thuê đất, đối với những DN trả tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê đất, thì tính tiền thuê đất vào giá trị DN theo giá sát với giá thị trường tại thời điểm định giá được UBND cấp tỉnh quy định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường.

Theo dự thảo Nghị định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng và công bố giá đất sát với giá thị trường để làm cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định xác định trị giá đất vào giá trị DN. Trường hợp giá đất làm căn cứ để xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại thời điểm CPH, thì trong thời hạn 30 ngày, UBND cấp tỉnh phải có ý kiến thoả thuận với cơ quan quyết định CPH. Sau thời hạn này, cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị DN được quyền tính giá trị quyền sử dụng đất, giá tiền thuê đất vào giá trị DN theo phương án DN đã đề nghị, nhưng không thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất, giá thuê đất tính theo giá đất được công bố và thông báo cho UBND cấp tỉnh biết.

Trường hợp DN được thuê những diện tích đất đô thị, có lợi thế vị trí địa lý, thì phải xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý của lô đất thuê vào giá trị DN theo thời hạn thuê đất còn lại, diện tích đất thuê và chênh lệch giá thuê đất hàng năm. Chênh lệch giá thuê đất hàng năm được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) tiền thuê đất nhân (x) với chênh lệch giữa giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường so với giá do UBND cấp tỉnh quyết định và công bố vào ngày 1/1 của năm thực hiện xác định giá trị DN. Giá trị lợi thế kinh doanh của DN CPH do cơ quan có thẩm quyền quyết định CPH DN quyết định, nhưng không thấp hơn giá trị lợi thế kinh doanh được xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Hữu Hoè
Hữu Hoè

Tin cùng chuyên mục