Dự án sẽ sử dụng công nghệ đốt chưng cất khí khô, với công suất xử lý 4 tấn rác/ngày. Tính vượt trội của công nghệ này là rác đưa vào lò không cần xử lý trước, quá trình đốt sử dụng chính nguồn nhiệt do việc đốt rác thải tạo ra nên có thể tiết kiệm được khoảng 50% lượng dầu cần thiết, từ đó có thể giảm bớt chi phí vận hành.
Công nghệ cũng rất thân thiện với môi trường bởi không có mùi hôi, không khói bụi, không gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và không gây ô nhiễm đất. Như vậy, chất thải y tế tại tỉnh Quảng Ninh sẽ được xử lý an toàn, đảm bảo và phù hợp, trở thành một mô hình điển hình tại Việt Nam
Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2017-2020. Trong năm 2017 và 2018, Dự án đã tiến hành nghiên cứu về các công ty quản lý và xử lý chất thải y tế; nhu cầu, tình hình thực tế xử lý chất thải y tế và môi trường kinh doanh tại địa phương; hoàn thành nghiên cứu chi tiết và thiết kế hệ thống lò đốt, hệ thống quản lý chất thải ý tế phù hợp với quy mô và điều kiện thực tế tại địa phương.
Năm 2019-2020, Dự án triển khai công tác xây dựng, vận hành hệ thống và triển khai kinh doanh. Dự kiến, cuối năm 2019 Quảng Ninh sẽ có lò đốt rác thải y tế theo công nghệ của Nhật Bản. Đến năm 2020, đây sẽ là địa phương có hệ thống xử lý và quản lý chất thải y tế hợp lý, tiên tiến nhất Việt Nam.
Hiện tại, đang có 5 đối tác cùng tham gia thực hiện dự án này, trong đó có 3 đơn vị đến từ Nhật Bản và 2 đơn vị tại Việt Nam (Quảng Ninh có một đơn vị được giao tham gia là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long - đang quản lý Nhà máy rác Khe Giang).
Tại cuộc họp, các đối tác Nhật Bản và Quảng Ninh đã trình bày về tình hình thiết kế lò đốt chất thải y tế lây nhiễm; kết quả khảo sát tại khu xử lý chất thải Khe Giang (TP Uông Bí), khảo sát nguồn chất thải y tế truyền nhiễm tại các bệnh viện và quy trình hiện hành về lò đốt chất thải y tế. Vị trí lò đốt chất thải y tế lây nhiễm sẽ được xây dựng tại khu xử lý chất thải Khe Giang, với diện tích 4.600m2.
Các đối tác Nhật Bản trình bày về tình hình thiết kế lò đốt chất thải y tế lây nhiễm tại khu xử lý chất thải Khe Giang. Ảnh: Nguyễn Hoa.
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Uông Bí tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp hoàn chỉnh quy hoạch khu xử lý chất thải y tế; khẩn trương hoàn thiện tuyến đường vào khu xử lý chất thải rắn Khe Giang. Về phía Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long cần tiếp tục phối hợp với các đối tác nghiên cứu hoàn thiện các hạng mục của Dự án; xây dựng bộ máy vận hành; phương án tài chính...
Ngày 06/11/2018, tại cuộc họp “Khởi động Dự án xây dựng hệ thống xử lý và quản lý chất thải y tế hợp lý”, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đã công bố tổng lượng chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thời điểm đó là khoảng 3,35 tấn/ngày. Trong đó, chất thải thông thường chiếm khoảng 2,65 tấn/ngày, còn lại khoảng 0,7 tấn/ngày là chất thải nguy hại.
12/19 cơ sở y tế tại Quảng Ninh đã dừng đốt rác thải. 07 lò đốt rác còn hoạt động nhưng cũng chỉ cầm chừng, vì lò thiêu đã cũ và phải sửa chữa nhiều lần, chi phí vận hành, sửa chữa tốn kém. 12 đơn vị y tế, bệnh viện không có lò thiêu rác, phải ký hợp đồng với tỉnh ngoài xử lý, rác chở đường xa rất bất tiện, lại có chi phí rất cao.